Trưởng thành cùng với quá trình đấu tranh và xây dựng quê hương Bạc Liêu – Cà Mau, Trường Chính trị Châu Văn Đặng tỉnh Bạc Liêu đã có hơn 60 năm hình thành và phát triển. Trường đã nhiều lần chia tách, sáp nhập cùng với sự tách, nhập giữa hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau.
Tháng 4 năm 1948, thực hiện chủ trương của Xứ ủy Nam bộ, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã quyết định thành lập Trường Văn Chính Trần Tấn Tài (Trường Đảng tỉnh) nhằm bồi dưỡng, đào tạo cán bộ cách mạng về học vấn, chính trị và đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp của Đảng. Việc thành lập Trường Đảng tỉnh kịp thời đã đáp ứng được đòi hỏi cấp bách của công tác cán bộ trước tình hình mới trong cuộc “Kháng chiến, kiến quốc” lúc bấy giờ.
Ra đời trong điều kiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, từ Trường Văn Chính Trần Tấn Tài, Trường Đảng tỉnh, Trường Lý luận Chính trị tại chức, Trường Đảng Châu Văn Đặng, Trường Hành chính tỉnh đến Trường Chính trị Châu Văn Đặng tỉnh Bạc Liêu và Trường Chính trị tỉnh Cà Mau ngày nay là một quá trình lâu dài gắn liền với nhiều thế hệ cán bộ, viên chức kế thừa từng bước củng cố và trưởng thành qua nhiều giai đoạn lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ; công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thời kỳ đổi mới đất nước. Nhiều thế hệ cán bộ, viên chức Trường Chính trị tỉnh Bạc Liêu đã cố gắng vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất trong kháng chiến, nhất là ngày đầu mới giải phóng để duy trì trường lớp. Các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức của Trường nối tiếp nhau viết nên những trang sử truyền thống gắn liền với công tác đào tạo, bồi dưỡng hàng vạn cán bộ cho tỉnh nhà phục vụ tích cực nhiệm vụ chính trị trong mọi thời kỳ cách mạng.
Trường Đảng tỉnh trong thời kỳ chống Pháp (1948 – 1954)
Giai đoạn 1948 – 1950
Cách mạng Tháng Tám thành công (1945), hệ thống chính quyền cách mạng được thành lập. Tỉnh ủy Bạc Liêu đã sớm nhận thức được yêu cầu cấp bách là phải mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ. Những năm 1945 – 1947, Tỉnh ủy Bạc Liêu đã mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng cán bộ địa phương nhằm nâng cao trình độ lý luận chính trị, thực hiện công tác tuyên truyền lãnh đạo quần chúng nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Năm 1948, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp theo chiều hướng có lợi cho cách mạng, vùng giải phóng không ngừng được mở rộng. Do yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để lãnh đạo cuộc kháng chiến, Trung ương Đảng quyết định thành lập hệ thống trường Đảng ở Nam bộ. Được sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam bộ, Tỉnh ủy quyết định thành lập Trường Đảng tỉnh (4-1948) mang tên Trường Văn Chính Trần Tấn Tài.
Giai đoạn 1951 – 1954
Năm 1951, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước sang giai đoạn mới. Nhận thức rõ việc học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên là yêu cầu cấp bách, Tỉnh ủy Bạc Liêu chủ trương: tăng cường công tác xây dựng Đảng với nội dung chủ yếu là xây dựng về chính trị, tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức đấu tranh, cải tạo tư tưởng, xây dựng phong trào cách mạng của quần chúng.
Từ năm 1951 – 1954, Trường Văn Chính Trần Tấn Tài (Trường Đảng tỉnh) đã mở hơn 7 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên từ cơ sở đến các ngành huyện và tỉnh. Giai đoạn 1951 – 1954, Trường Văn Chính Trần Tấn Tài đã cố gắng thực hiện kế hoạch của Tỉnh ủy giao, góp phần thi đua cùng cả nước tập trung cho chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng (5/1954).
Trường Đảng tỉnh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước (1954 – 1975)
Thực hiện nghiêm chỉnh Hiệp định Giơ-ne-vơ, cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn đấu tranh chính trị, giữ gìn lực lượng cách mạng. Các tổ chức đảng, tổ chức quần chúng hoạt động theo chủ trương mới với phương thức bám trụ trong nhân dân và tổ chức lãnh đạo quần chúng đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Theo sự chỉ đạo của Liên Tỉnh ủy, Tỉnh ủy chủ trương cho Trường Đảng tổ chức việc học tập, bồi dưỡng cho cán bộ cốt cán ở dạng bí mật; đồng thời tổ chức học tập tuyên truyền sâu rộng Hiệp định đình chiến và lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch hiểu rõ thắng lợi của Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Tỉnh ủy kịp thời chỉ đạo công tác đào tạo cán bộ để đáp ứng đòi hỏi phong trào các mạng trong tình hình mới. Những lớp học dạng bí mật bồi dưỡng cho nhiều cán bộ giác ngộ lý tưởng cách mạng, củng cố niềm tin vào sự thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã góp phần to lớn vào quá trình đấu tranh chống khủng bố xây dựng phong trào quần chúng chuẩn bị đồng khởi 1960; cuộc tổng tiến công, nổi dậy mùa xuân 1968 và chiến thắng lịch sử 4-1975. Nhiều cán bộ được bồi dưỡng có bản lĩnh chính trị vững vàng kiên trung với Đảng và là những lãnh đạo, quản lý chủ chốt các ban, ngành cấp huyện, tỉnh sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.
Trường Chính trị Châu Văn Đặng tỉnh Minh Hải và Trường Lý luận chính trị tại chức (1975 – 1986)
Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-TW ngày 20-12-1975 của Bộ Chính trị về việc hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam sau giải phóng. Tháng 7-1976, hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu được sáp nhập thành tỉnh Minh Hải, Trường Chính trị hai tỉnh được hợp nhất. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Minh Hải giao cho Trường khu Công chức, gia binh của Ngụy cũ, thuộc Phường 7, thị xã Bạc Liêu sửa chữa làm trụ sở. Trường mang tên Trường Chính trị Châu Văn Đặng tỉnh Minh Hải.
Đầu năm 1977, Ban Thường vụ tỉnh Minh Hải quyết định chuyển Trường về khu Cao Thắng, Phường 9, thị xã Cà Mau.
Đầu năm 1978, Ban Thường vụ tỉnh Minh Hải quyết định chuyển Trường về địa điểm Trường Trí Tri, Phường 5, thị xã Bạc Liêu. Mặc dù trụ sở tạm bợ chưa ổn định, nhưng từ năm 1977 – 1981 Trường Chính trị Châu Văn Đặng tỉnh Minh Hải đã mở được 16 lớp bồi dưỡng cán bộ thuộc đối tượng là cán bộ chủ chốt cấp cơ sở và trưởng, phó các ngành huyện và tỉnh.
Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 24-02-1981 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác tư tưởng, tổ chức lại hệ thống trường Đảng và mở rộng hệ thống trường, lớp học tại chức. Ngày 09-7-1984, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Minh Hải quyết định thành lập Trường Lý luận chính trị tại chức. Như vậy, trong giai đoạn 1984, tỉnh Minh Hải có hai trường: Trường Lý luận Chính trị tại chức và Trường Chính trị Châu Văn Đặng.
Từ Trường Đảng tỉnh Minh Hải đến Trường Chính trị tỉnh Minh Hải (1986 – 1996)
Tháng 6-1988, Ban Thường vụ tỉnh Minh Hải quyết định hợp nhất hai trường: Trường Lý luận Chính trị tại chức và Trường Chính trị Châu Văn Đặng, lấy tên là Trường Đảng tỉnh Minh Hải.
Cuối năm 1995, thực hiện Quyết định số 88-QĐ/TW, ngày 05-9-1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc thành lập trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định sáp nhập Trường Hành chính tỉnh vào Trường Đảng tỉnh Minh Hải lấy tên là Trường Chính trị tỉnh Minh Hải, chính thức hoạt động ngày 01-01-1996.
(Trường Hành chính tỉnh trước khi sáp nhập có trụ sở tại Trà Kha. Phường 8, thị xã Bạc Liêu. Từ năm 1993, Trường Hành chính tỉnh có lúc mang tên là Trường Quản lý nhà nước. Trường đã mở được hơn 30 lớp đaò tạo, bồi dưỡng hàng ngàn học viên học các chương trình bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước, trung cấp hành chính…)
Tổ chức bộ máy của Trường Chính trị tỉnh Minh Hải sau khi sáp nhập bao gồm ban lãnh đạo, 4 khoa, 3 phòng theo Hướng dẫn số 07-TC-TW của Ban Tổ chức Trung ương và thực hiện theo Quyết định số 88-QĐ/TW, ngày 05-9-1994 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Trường Chính trị tỉnh Bạc Liêu được tái lập (01-01-1997)
Ngày 01-11-1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX ra Nghị quyết về phân vạch địa giới hành chính và thành lập một số tỉnh mới. Theo đó, tỉnh Minh Hải được chia tách thành hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, chính thức hoạt động vào ngày 01-01-1997. Theo quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Minh Hải, Trường Chính trị tỉnh Minh Hải được chia tách thành 2 trường: Trường Chính trị tỉnh Bạc Liêu và Trường Chính trị tỉnh Cà Mau.
Trường Chính trị tỉnh Bạc Liêu được thành lập theo Quyết định số 19/QĐ-UB ngày 01-01-1997 của UBND lâm thời tỉnh Bạc Liêu. Như vậy, cùng với sự chia tách tái lập tỉnh Bạc Liêu, Trường Chính trị tỉnh Bạc Liêu đồng thời cũng được thành lập.
Khi mới thành lập Trường gặp rất nhiều khó khăn, trụ sở hoạt động tạm bợ tại Trà Kha, Phường 8, thị xã Bạc Liêu. Bộ máy của Trường Chính trị tỉnh Bạc Liêu khi mới tái lập (01-01-1997) có 15 cán bộ, viên chức, trong đó có 9 giảng viên, 5 cử nhân, 2 thạc sĩ.
Trường Chính trị tỉnh Bạc Liêu không ngừng củng cố và phát triển
Nhằm kiện toàn bộ máy tổ chức, trong 2 năm 1997 - 1998, Trường đã tiến hành tuyển chọn 27 cán bộ và đưa đi đào tạo đại học các chuyên ngành khoa học chính trị tại Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) về làm giảng viên. Đến năm 2000, các giảng viên được đào tạo trở lại trường công tác, phát huy khả năng giảng dạy.
Đến năm 2006 số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trường không ngừng được nâng lên (15 thạc sĩ) đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Trường. Cán bộ, giảng viên trường tham gia khá đầy đủ các đợt tập huấn chuyên môn do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các đơn vị trong và ngoài tỉnh tổ chức, giúp cán bộ cập nhật kiến thức mới phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy.
Phương pháp giảng dạy không ngừng được đổi mới, các giảng viên đã sử dụng các phương pháp giảng dạy tích cực phát huy vai trò chủ động của học viên và chủ đạo của giảng viên.
Nghiên cứu thực tế được duy trì thường xuyên, hằng năm, trường tổ chức các chuyến đi thực tế ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Bắc học tập kinh nghiệm giảng dạy, quản lý ở các trường chính trị tỉnh, thành phố.
Năm 2009, trụ sở mới của Trường được khánh thành và đưa vào sử dụng, trên tổng diện tích 28.000m2, bao gồm: khu hành chính, giảng đường, nhà nghỉ giảng viên, ký túc xá…
Ngày 20/11/2013 Trường Chính trị tỉnh được vinh dự mang tên Trường Chính trị Châu Văn Đặng, theo Quyết định số 2074-QĐ/TU, ngày 01/10/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu. Đây là niềm vinh dự, tự hào để cổ vũ, động viên đội ngũ cán bộ, viên chức Trường tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với Trường được mang tên Anh hùng Lực lượng vũ trang Châu Văn Đặng.
Hiện nay 2017, Trường có tổng số 51 cán bộ, viên chức: trong đó 30 giảng viên (01 giảng viên cao cấp, 19 giảng viên chính), 01 tiến sĩ, 22 thạc sĩ, 16 cử nhân và mốt số viên chức đang học đại học, cao học.
Cơ cấu tổ chức của Trường (Theo Quyết định số 184 của Ban Bí thư BCH Trung ương Đảng) gồm: Ban Giám hiệu; 04 khoa chuyên môn: Lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Nhà nước và Pháp luật; Xây dựng Đảng; Dân vận; 03 phòng chức năng: Tổ chức – Hành chính – Quản trị; Đào tạo; Nghiên cứu Khoa học - Thông tin - Tư liệu.
Những năm mới thành lập, đội ngũ giảng viên Trường hầu hết còn khá trẻ, kinh nghiệm giảng dạy, hoạt động thực tiễn chưa nhiều… Nhưng đến nay, đội ngũ giảng viên Trường đã trưởng thành cả về số lượng và chất lượng. Hầu hết giảng viên đảm trách khá tốt công tác nghiên cứu, giảng dạy góp phần thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh nhà. Một số giảng viên có kỹ năng giảng dạy tốt được học viên và lãnh đạo đánh giá cao.
Bên cạnh đó, cán bộ, giảng viên của Trường tham gia giảng dạy nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng các sở, ban, ngành; các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trong và ngoài tỉnh; viết bài cho các báo, tạp chí trung ương và địa phương. Một số cán bộ, giảng viên tham gia chủ nhiệm và thực hiện nghiên cứu các đề tài khoa học cấp tỉnh; tham gia các hội thảo khoa học, phản biện các đề tài khoa học.
Ngoài việc đảm trách tốt công tác nghiên cứu, giảng dạy, cán bộ, viên chức Trường còn tích cực tham gia các phong trào hành động cách mạng do địa phương phát động như: đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, nuôi dưỡng thương binh, đỡ đầu hộ nghèo, cứu trợ đồng bào bị thiên tai…
Những thành tích đạt được đã khẳng định sự phát triển của Trường gắn liền với sự đoàn kết thống nhất của nhiều thế hệ Ban Giám hiệu; năng động, sáng tạo, bản lĩnh của cán bộ, viên chức không ngừng nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu chung hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Trường nhằm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của tỉnh, góp phần làm tốt công tác cán bộ của tỉnh Bạc Liêu./.
Vài nét về tiểu sử Đồng chí Châu Văn Đặng
Đồng chí Châu Văn Đặng sinh năm 1917, tại làng Long Thạnh, huyện Giá Rai, tham gia cách mạng vào tháng 02/1936. Tháng 5/1937, Đồng chí vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1938, Đồng chí là Quận ủy viên quận Giá Rai.
Năm 1940, bị địch bắt tù đày đến tháng 3/1945. Ra tù, Đồng chí được Đảng giao trọng trách Phó Bí thư, rồi Bí thư Quận ủy Giá Rai.
Năm 1948: Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Bạc Liêu.
Năm 1954: Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu.
Tháng 10/1954: Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, Liên Tỉnh ủy Hậu Giang.
Từ năm 1957 – 1959: Phó Bí thư Liên Tỉnh ủy, kiêm Giám đốc Trường Đảng Liên Tỉnh ủy Hậu Giang.
Ngày 10/8/1959: Đồng chí lâm trọng bệnh và qua đời khi đang làm việc tại Trường Đảng Liên Tỉnh ủy Hậu Giang.
Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng và truy tặng: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy hiệu Thành đồng, Huân chương Độc lập hạng Nhất, danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Ghi nhận và tưởng nhớ công lao của Đồng chí - người đã đặt những viên gạch đầu tiên tạo nền móng vững chắc cho sự hình thành và phát triển của trường chính trị từ trong khó khăn gian khổ, ngày 01/10/2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu đã ban hành Quyết định số 2074-QĐ/TU đổi tên Trường Chính trị tỉnh Bạc Liêu thành trường Chính trị Châu Văn Đặng./.