Liên kết web
Thăm dò
Thống kê truy cập

null Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Trường Chính trị Châu Văn Đặng tỉnh Bạc Liêu

Tin tức|Tin tức sự kiện|Tin tổng hợp
Thứ hai, 17/05/2021, 16:30
Màu chữ Cỡ chữ
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở Trường Chính trị Châu Văn Đặng tỉnh Bạc Liêu

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng giữ một vị trí đặc biệt quan trọng đối với vấn đề nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không ngừng chăm lo xây dựng, rèn luyện Đảng ta thành một đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu cho trí tuệ, đạo đức, lương tâm và danh dự của dân tộc, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân.
        Xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn gắn với quá trình phát triển liên tục của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Trước diễn biến của điều kiện khách quan, cùng những yêu cầu cấp thiết của sự phát triển đất nước, bản thân Đảng phải tự chỉnh đốn, tự đổi mới để vươn lên làm tròn trọng trách trước giai cấp và dân tộc. Để đáp ứng nhiệm vụ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương trước hết phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng. “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng. Phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.(1)
        Người còn chỉ rõ: Đảng sống trong xã hội, là một bộ phận hợp thành cơ cấu của xã hội. Tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên ở các cấp, giữ các chức vụ đều chịu ảnh hưởng, tác động của môi trường, các quan hệ xã hội, cả cái tốt và cái xấu, cái tích cực, tiến bộ và cái tiêu cực, lạc hậu. Do đó, tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên rèn luyện. Đảng phải quan tâm, tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
        Trên bình diện phát triển cá nhân, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trở thành nhu cầu tự hoàn thiện, tự làm trong sạch nhân cách của mỗi cán bộ, đảng viên. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là từ khi giành được chính quyền, Hồ Chí Minh đã nêu và yêu cầu các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên thực hành những quan điểm hết sức sâu sắc, có tác dụng soi sáng lâu dài trong việc chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
1. Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, để công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt hiệu quả, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng
        Để xứng đáng với vai trò tiền phong lãnh đạo, Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức và tiền phong cả về tư tưởng, nhận thức. Muốn vậy, phải dựa vào lý luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin để xây dựng Đảng. Bởi theo Hồ Chí Minh: Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin. Hồ Chí Minh cũng lưu ý: Việc học tập, nghiên cứu, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin phải luôn phù hợp với từng đối tượng. Việc vận dụng những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin phải luôn luôn phù hợp với từng hoàn cảnh cụ thể của nước ta trong từng thời kỳ. Trong quá trình hoạt động, Đảng ta phải chú ý học tập, kế thừa những kinh nghiệm tốt của các đảng cộng sản khác, đồng thời phải tổng kết kinh nghiệm của mình để bổ sung chủ nghĩa Mác - Lênin. Đảng ta phải tăng cường đấu tranh để bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng thời, phải thường xuyên tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển lý luận, giải quyết đúng đắn những vấn đề đặt ra trong quá trình Đảng lãnh đạo. Các nghị quyết của Đảng được xây dựng và tổ chức thực hiện thắng lợi, sẽ ngày càng làm sáng tỏ những vấn đề mới trong thực tiễn, bổ sung và làm cho đường lối của Đảng ngày càng hoàn thiện.
        Nội dung xây dựng Đảng về chính trị bao gồm: Xây dựng đường lối chính trị; bảo vệ chính trị; xây dựng và thực hiện nghị quyết; xây dựng và phát triển hệ tư tưởng chính trị; củng cố lập trường chính trị; nâng cao bản lĩnh chính trị;... Trong các nội dung trên, đường lối chính trị là một vấn đề “cốt tử” trong sự tồn tại và phát triển của Đảng. Người cảnh báo nguy cơ sai lầm về đường lối chính trị gây hậu quả nghiêm trọng đối với vận mệnh của Tổ quốc, sinh mệnh chính trị của hàng triệu đảng viên và nhân dân lao động.
        Xây dựng Đảng về tư tưởng, theo Hồ Chí Minh, trước hết là xác lập thế giới quan và hệ tư tưởng của giai cấp công nhân - giai cấp tiên tiến nhất của thời đại, giai cấp đứng ở vị trí trung tâm của lịch sử - để lãnh đạo toàn thể dân tộc thực hiện mục tiêu mà cách mạng đặt ra. Đảng cần phải giáo dục đường lối, chính sách của Đảng, thông tin thời sự cho cán bộ, đảng viên để họ luôn luôn kiên định lập trường, giữ vững bản lĩnh chính trị trong mọi hoàn cảnh.
Thứ hai, xây dựng Đảng về tổ chức
        Về hệ thống tổ chức của Đảng: Hồ Chí Minh khẳng định sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ tổ chức. Hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở phải thật chặt chẽ, có tính kỷ luật cao. Sức mạnh các tổ chức liên quan chặt chẽ với nhau; mỗi cấp độ tổ chức có chức năng, nhiệm vụ riêng.
        Trong hệ thống tổ chức đảng, Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của chi bộ. Chi bộ là tổ chức hạt nhân, quyết định chất lượng lãnh đạo của Đảng; là môi trường tu dưỡng, rèn luyện và cũng là nơi giám sát đảng viên. Chi bộ có vai trò quan trọng trong việc gắn kết giữa Đảng với quần chúng nhân dân.
        Về công tác cán bộ: Công tác cán bộ là “việc gốc” của Đảng. Đây là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà Hồ Chí Minh dành nhiều thời gian và tâm huyết nhất. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, ở đâu và lúc nào, Hồ Chí Minh cũng luôn quan tâm đến vấn đề cán bộ và công tác cán bộ. Theo Hồ Chí Minh, cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời, đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.(2) Để xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, Hồ Chí Minh đã nêu ra những biện pháp cụ thể, thiết thực sau đây:
        Một là, tăng cường huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. 
        Hai là, biết dùng cán bộ. 
        Ba là, lựa chọn, cất nhắc đúng cán bộ.
        Bốn là, thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ.
Thứ ba, xây dựng Đảng về đạo đức
        Người cho rằng: Xây dựng Đảng về đạo đức là cơ hội để mỗi cán bộ, đảng viên tự rèn luyện, giáo dục và tu dưỡng tốt hơn, hoàn thành các nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, đặc biệt là giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng. Cán bộ, đảng viên không phải là thần thánh. Họ là con người, ai cũng có hai mặt tốt - xấu, thiện - ác thường xuyên đấu tranh với nhau. Trong điều kiện môi trường tốt, nếu cán bộ, đảng viên nỗ lực tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện thì mặt tốt, mặt thiện sẽ nổi lên, đẩy lùi mặt ác, mặt xấu và ngược lại.
Hồ Chí Minh đưa ra tiêu chí của một người cán bộ tốt, đó là người cán bộ đó phải vừa có đức, vừa có tài. Trong đó, đạo đức là gốc, Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.(3)
        2. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng vào công tác xây dựng Đảng ở Trường Chính trị Châu Văn Đặng tỉnh Bạc Liêu
Hiện nay, để các chi bộ cơ sở thực hiện tốt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, theo tôi các chi bộ cơ sở cần tổ chức thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
        Thứ nhất, tăng cường giáo dục đảng viên để có lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng; lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng; nói và làm theo chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện tốt những quy định về đảng viên, những điều đảng viên không được làm.
        Thứ hai, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đảng viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ Đảng, Nhà nước; chống lại những luận điệu, quan điểm xuyên tạc, sai trái đối với Đảng và Nhà nước.
        Thứ ba, xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh, đảng viên chi bộ luôn thực hiện tốt những quy định của Đảng cũng như của chi bộ, luôn giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong chi bộ, thẳng thắn trong tự phê bình và phê bình.
        Thứ tư, đảng viên chi bộ không ngừng tự học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ, phẩm chất chính trị, tu dưỡng đạo đức, lối sống.
        Thứ năm, chi bộ thường xuyên tiến hành kiểm tra, theo dõi việc thực hiện công việc của đảng viên. Vì qua kiểm tra có tác dụng thúc đẩy và giáo dục đảng viên làm tròn nhiệm vụ đối với Đảng, làm tấm gương tốt trong chi bộ.
        Thứ sáu, chi bộ thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Mọi công việc đều được đem ra trao đổi, bàn bạc trước chi bộ và sau đó mới đi đến kết luận./.
---------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG - Sự thật, HN.2011, t.15, tr.611-612
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG - Sự thật, HN.2011, t.5, tr.309
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG - Sự thật, HN.2011, t.5, tr.292

Số lượt xem: 6449

ThS Đặng Văn Mỹ, Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

Dịch vụ công Quốc gia Hệ thống văn bản của tỉnh CSDL hộ kinh doanh Thư điện tử công vụ Một cửa điện tử
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ CHÂU VĂN ĐẶNG TỈNH BẠC LIÊU
Địa chỉ: Số 7, Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 0781. 3823965 Fax: 0781. 3829654