Khoản 1 Điều 2 Hiến pháp 2013 khẳng định: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”. Quy định này có ý nghĩa lý luận và thực tiễn vô cùng quan trọng, khẳng định và đề cao chủ quyền Nhân dân. Thể hiện thuộc tính “dân chủ” của Nhà nước ta từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cho đến nay. Như vậy, Nhân dân với tư cách là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, Nhân dân có quyền sử dụng, thực hiện quyền lực của mình. Nhưng bằng cách nào hay hình thức gì để Nhân dân thực hiện chủ quyền của Nhân dân.
Điều 6 Hiến pháp 2013 quy định rõ: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước”. Với điều luật này, Hiến pháp 2013 đã quy định các hình thức để Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước, đó là:
Thứ nhất, Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp.
Thứ hai, Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và các cơ quan khác của Nhà nước.
Hình thức Nhân dân thực hiện quyền lực bằng dân chủ đại diện, với hình thức này thì Nhân dân sẽ thông qua các cơ quan đại diện để thực hiện quyền lực của mình, cụ thể là: Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, các cơ quan Nhà nước khác. Như vậy, theo quy định tại Điều 6 Hiến pháp 2013, thì không chỉ riêng Quốc hội, Hội đồng nhân dân là hai cơ quan đại diện để thực hiện quyền lực của Nhân dân, các cơ quan Nhà nước khác cũng là các cơ quan mà Nhân dân có thể thông qua đó để thực hiện quyền lực nhà nước của mình, chẳng hạn thông qua Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân các cấp, Tòa án nhân dân các cấp…. Đây là một trong những bổ sung mới của Hiến pháp 2013, quy định này một lần nữa nhằm bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, với hình thức thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ đại diện của Nhân dân không chỉ bó hẹp thông qua cơ quan đại diện mà còn được mở rộng thông qua “Các cơ quan Nhà nước khác”.
Hình thức Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, với hình thức này, Nhân dân bằng chính hành vi của mình thực hiện quyền lực mà không phải thông qua chủ thể khác như hình thức dân chủ gián tiếp. Có thể kể đến một số phương thức Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp như sau:
Một là, thông qua bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp
Điều 27 Hiến pháp 2013: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định”. Quyền bầu cử là một trong các phương thức thực hiện dân chủ trực tiếp cơ bản nhất của Nhân dân, đây cũng là quyền chính trị cơ bản của Nhân dân. Thông qua bầu cử, Nhân dân thành lập bộ máy Nhà nước. Thông qua hoạt động này, Nhân dân lựa chọn những người đủ đức, đủ tài đại diện cho mình, thay mặt mình tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Hai là, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân
Biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân là một trong các hình thức thực hiện quyền lực Nhà nước trực tiếp của Nhân dân và được xem là một hình thức dân chủ trực tiếp điển hình. Hình thức này đã được ghi nhận từ bản Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước ta – Hiến pháp 1946, nhưng với tên gọi là quyền “phúc quyết”. Đây là hình thức mà Nhân dân trực tiếp thể hiện ý chí của mình trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Quyền biểu quyết được quy định tại Điều 27 Hiến pháp 2013: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”. Và quyền này đã được cụ thể hóa bằng một đạo luật do cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước ban hành, đó là Luật Trưng cầu ý dân.
Ba là, giám sát và bãi miễn đại biểu dân cử
Giám sát và bãi miễn các đại biểu dân cử là hình thức thực hiện quyền lực Nhà nước trực tiếp của Nhân dân. Thông qua hoạt động này Nhân dân nắm được hoạt động của Nhà nước. Quyền giám sát là một quyền đương nhiên mà người chủ của đất nước, người nắm quyền lực Nhà nước có quyền tiến hành đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được Nhân dân (người chủ quyền lực) trao quyền. Thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri của các đại biểu dân cử, các đại biểu dân cử báo cáo hoạt động của cơ quan dân cử với cử tri cũng như nắm được tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri để kịp thời phản ánh đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, cá nhân có thẩm quyền giải quyết trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Ngoài ra, “hoạt động giám sát còn được thực hiện trực tiếp ở cấp cơ sở đối với chính quyền cơ sở, ở các cơ quan, đơn vị của Nhà nước”(1). Đồng thời, Nhân dân cũng có quyền bỏ phiếu bất tính nhiệm với những đại biểu dân cử không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân.
Bốn là, Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử
Đây cũng là một hình thức thực hiện quyền lực trực tiếp của Nhân dân. Việc hội thẩm nhân dân tham gia xét xử thể hiện sự tôn trọng của Nhà nước trong việc đề cao quyền làm chủ của Nhân dân. Khoản 1 Điều 103 Hiến pháp 2013 quy định rõ: “Việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn”. Với quy định này, Nhân dân sẽ được trực tiếp tham gia vào hoạt động thực hiện quyền tư pháp của Tòa án nhân dân. Đưa tiếng nói từ phía xã hội vào quá trình xét xử, giúp cho việc xét xử chính xác, khách quan, phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của Nhân dân.
Năm là, lấy ý kiến Nhân dân trong việc xây dựng chính sách, pháp luật.
Đây là một trong những phương thức thực hiện dân chủ trực tiếp của công dân trong việc tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Khoản 1 Điều 28 Hiến pháp 2013: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước”. Lấy ý kiến Nhân dân giúp cho việc hoạch định các chính sách, pháp luật của Nhà nước sát với thực tế, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của Nhân dân. Điều này cũng thể hiện được bản chất nhân văn của pháp luật xã hội chủ nghĩa.
Dân chủ là mục tiêu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn hướng tới. Quyền lực Nhà nước xuất phát từ Nhân dân, cho nên Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước. Nhân dân trao quyền cho các cơ quan Nhà nước để thực hiện quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Bằng hành vi trực tiếp hoặc thông qua các cơ quan đại diện người dân sẽ thực hiện quyền lực của mình. Nhà nước ta luôn bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Hai hình thức trên đều có ý nghĩa vô cùng quan trọng để Nhân dân phát huy quyền làm chủ. Nên xây dựng và hoàn thiện hơn nữa cơ chế Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước nói chung và thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp nói riêng vì đó là một bước căn bản để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân./.
(1) GS.TS Phan Trung Lý, TS Đặng Xuân Phương, Xây dựng và hoàn thiện cơ chế nhân dân thực hiên quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp-Cơ sở lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội 2017, tr 90.