Khai giảng Lớp Bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương khóa 01/2023 Khoa Lý luận cơ sở đi nghiên cứu thực tế tại xã Vĩnh Trạch Đông Phấn đấu xây dựng Trường Chính trị Châu Văn Đặng đạt chuẩn mức 1 Sáng ngày 20 tháng 02 năm 2023, Trường Chính trị Châu Văn Đặng tổ chức Lễ khai giảng Lớp Bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy quản lý (đối tượng 4) tỉnh Bạc Liêu năm 2022 - Lớp thứ bảy ngày 13 tháng 02 năm 2023, Trường Chính trị Châu Văn Đặng tổ chức Lễ khai giảng Lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy quản lý (đối tượng 4) tỉnh Bạc Liêu năm 2022 - Lớp thứ sáu Giá trị lịch sử và sự trường tồn của các kỳ Đại hội Đảng Giá trị lịch sử và sự trường tồn của các kỳ Đại hội Đảng Trường Chính trị Châu Văn Đặng: Tiên phong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Sáng ngày 06 tháng 02 năm 2023, Trường Chính trị Châu Văn Đặng tổ chức Lễ khai giảng Lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy quản lý (đối tượng 4) tỉnh Bạc Liêu năm 2022 - Lớp thứ năm Bản yêu sách tám điểm gửi Hội nghị Quốc tế hòa bình Versailes. Bút hiệu Nguyễn Ái Quốc ra đời.
Liên kết web
Thăm dò
Thống kê truy cập

null Quan điểm chủ yếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nông nghiệp và một số vấn đề cần rút ra trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam

Tin tức|Tin tức sự kiện|Tin tổng hợp
Thứ hai, 21/02/2022, 15:26
Màu chữ Cỡ chữ
Quan điểm chủ yếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nông nghiệp và một số vấn đề cần rút ra trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam

Hồ Chủ Tịch là lãnh tụ vĩ đại của Đảng Cộng sản Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Người không có những tác phẩm chuyên biệt về nông nghiệp, nhưng thông qua những bài nói, bài viết có thể thấy sự quan tâm rất lớn của Bác tới nông nghiệp Việt Nam, coi nông nghiệp là ngành sản xuất chủ yếu trong phát triển kinh tế đất nước.

Người nhiều lần đề cập, nước ta là nước nông nghiệp, nên hiện nay nông nghiệp là quan trọng nhất, khôi phục kinh tế sau chiến tranh gồm khôi phục nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, giao thông vận tải, nhưng sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy việc phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính. Nếu không phát triển nông nghiệp thì không có cơ sở để phát triển công nghiệp.

Bác nhấn mạnh: “Người thì có hai chân. Kinh tế một nước thì có hai bộ phận chính: Nông nghiệp và công nghiệp. Người không thể thiếu một chân, thì nước không thể thiếu một bộ phận kinh tế”(1). Như vậy, phải lấy nông nghiệp làm chính, nhưng phải toàn diện, phải chú ý cả các mặt công nghiệp, thương nghiệp, tài chính, ngân hàng, giao thông, kiến trúc, văn hóa, giáo dục, y tế… Các ngành này phải lấy phục vụ nông nghiệp làm trung tâm.

Bác cho rằng: “Tiến lên chủ nghĩa xã hội phải đi bằng hai chân: công nghiệp và nông nghiệp. Công nghiệp của ta đã có tiến bộ, nếu nông nghiệp không tiến bộ hoặc cứ cầm chừng thì như què, vì vậy phải cố gắng mà đưa nông nghiệp tiến lên”(2). Công nghiệp và nông nghiệp như hai chân của con người. Hai chân có mạnh thì đi mới vững chắc. Nếu nông nghiệp không tiến bộ hoặc cầm chừng thì như què quặc. Nông nghiệp có vai trò quan trọng như là một trong hai chân của nền kinh tế, chân phải thật vững, thật khỏe, thì kinh tế mới phát triển nhanh, nông nghiệp phải phát triển phù hợp với công nghiệp.

Sở dĩ Hồ Chí Minh cho rằng, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ yếu, là một trong hai chân của nền kinh tế là do, nông nghiệp cung cấp lương thực, thực phẩm. Theo Bác: “Có thực mới vực được đạo. Vì vậy, vô luận thế nào, chúng ta cũng phải giải quyết vấn đề lương thực cho tốt. Muốn giải quyết vấn đề lương thực tốt, phải sản xuất tốt, như thế nông dân mới có thừa thóc bán cho Nhà nước. Muốn sản xuất tốt, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp phải tốt. Sản xuất tốt rồi, phải tổ chức mua cho tốt, cho kịp thời”(3). Ở nước ta, tục ngữ còn có câu: “Dân dĩ thực vi thiên”, nghĩa là dân lấy ăn làm trời, nếu không có ăn là không có trời. Vì vậy, đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ là hết sức chăm lo đến đời sống của Nhân dân, phải lãnh đạo tổ chức, giáo dục Nhân dân tăng năng suất, chất lượng, tiết kiệm và chú ý đến khâu lưu thông.

Bác chỉ rõ: “Nước ta là nước nông nghiệp, cho nên hiện nay nông nghiệp là quan trọng nhất. Nâng cao nông nghiệp là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn chính quyền, toàn dân”(4). Nông nghiệp là ngành sản xuất chủ yếu có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển sản xuất nông nghiệp để làm cho nông dân được cải thiện đời sống, nông dân ta giàu thì nước ta giàu, nông nghiệp nước ta mạnh thì nước ta sẽ mạnh.

Bác khẳng định: “Đa số dân ta là nông dân. Mỗi việc đều phải dựa vào nông dân. Nông dân giác ngộ hăng hái thì kháng chiến mới mau thắng lợi, kiến quốc mới chóng thành công, nông dân mới được giải phóng”(5). Muốn nâng cao đời sống Nhân dân thì trước hết phải giải quyết tốt vấn đề ăn, rồi đến vấn đề mặc và các vấn đề khác. Muốn giải quyết tốt vấn đề ăn thì phải làm cho có đầy đủ lương thực. Mà lương thực là do nông nghiệp sản xuất ra. Vì vậy, phát triển nông nghiệp là việc rất quan trọng, không chỉ đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong nước mà còn góp phần phát triển kinh tế đất nước.

Người đã chỉ rõ: “Yêu cầu của sản xuất nông nghiệp là bước đầu giải quyết vấn đề lương thực, cung cấp nguyên liệu, vật liệu để khôi phục tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, công nghiệp và cung cấp lâm thổ sản để mở rộng quan hệ buôn bán với các nước ngoài”(6). Nông nghiệp cung cấp nguyên liệu cho phát triển công nghiệp, là thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp, nguồn hàng xuất khẩu, nên muốn phát triển công nghiệp và thương nghiệp, đòi hỏi nông dân được giải phóng, thi đua sản xuất.

Sản xuất nông nghiệp là hoạt động kinh tế chủ yếu của nông dân, mà vấn đề nông dân, theo Hồ Chí Minh là nền tảng của vấn đề dân tộc, do chiếm đại đa số trong dân tộc, là nền tảng của cách mạng, là lực lượng cách mạng đông nhất. Từ đó, Bác chỉ rõ: “Nông dân là lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất chắc chắn của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công ắt phải dựa vào quần chúng nông dân. Muốn dựa vào nông dân ắt phải bồi dưỡng lực lượng của họ. Muốn nông dân có lực lượng dồi dào thì phải làm cho họ có ruộng cày, có cơm ăn, áo mặc, nhà ở”(7).

Quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh về nông nghiệp có ý nghĩa là kim chỉ nam cho việc soạn thảo chiến lược, kế hoạch và chính sách nông nghiệp, cũng như việc vận dụng vào đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Trước khi đổi mới Đảng ta đã phạm sai lầm ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, không coi trọng đúng mức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ; đời sống Nhân dân khó khăn, đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội. Nhận rõ thiếu sót đó, Đại hội VI (năm 1986) của Đảng đã chủ trương đổi mới cơ cấu kinh tế, hướng đầu tư vào 3 chương trình mục tiêu về lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, trong đó, chương trình lương thực - thực phẩm là quan trọng nhất nhằm trước hết đảm bảo lương thực đủ ăn cho xã hội và có dự trữ một phần. Điều này cho thấy Đảng đã vận dụng quan điểm về nông nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào quá trình đổi mới, phát triển đất nước.

Với Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (05/4/1988) “về chuyển đổi cơ chế quản lý nông nghiệp”, từ đó nông nghiệp thực sự được coi là khâu trung tâm, mắt xích quan trọng nhất của nền kinh tế quốc dân. Có thể coi đây là một trong những thành công lớn nhất của Đảng trong thời kỳ đổi mới, là một trong những vấn đề có tính đột phá trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn nước ta. Nghị quyết 10 mở đầu sự phát triển ngoạn mục nông nghiệp, nông thôn nước ta thời kỳ đổi mới. Khi vấn đề lương thực - nỗi lo lớn nhất của nước ta, được giải quyết một cách vững chắc, đã tạo nền tảng vật chất để công cuộc đổi mới tiến lên được nhanh chóng.

Nông nghiệp đóng vai trò cực kỳ quan trọng, vì nó cung cấp lương thực, thực phẩm, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy, đồng thời là một nguồn xuất khẩu quan trọng. Nông thôn giàu thì sẽ là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất hiện nay của công nghiệp, cho nên, cần phải cải tạo và phát triển nông nghiệp thì mới có cơ sở để phát triển các ngành kinh tế khác. Phải cải tạo và phát triển nông nghiệp để tạo điều kiện cho việc công nghiệp hóa. Có một nền nông nghiệp phát triển thì công nghiệp mới có thể phát triển mạnh, nông nghiệp phát triển tốt thì công nghiệp sẽ phát triển nhanh, làm cơ sở vững mạnh cho sự nghiệp đấu tranh thực hiện hòa bình và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Nghị quyết số 26 - NQ/TW, ngày 05/8/2008 “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đã khẳng định: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (năm 2016), Đảng ta lại tiếp tục khẳng định: “Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu”(8).

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (năm 2021), Đảng ta cho rằng: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao”(9).

Từ những chủ trương đó, ta phải tếp tục xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu.

Phải thật sự coi nông nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng trong cách mạng Việt Nam, vì nông nghiệp là cơ sở kinh tế của nông dân. Phát triển lực lượng sản xuất ở nước ta đầu tiên và trước hết là phát triển sản xuất nông nghiệp nhằm giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, kế đó là công nghiệp để đảm bảo cung cấp phần lớn hàng tiêu dùng cho Nhân dân.

Đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát triển toàn diện cả về nông lâm ngư nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh và tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất, quản lý nhà nước và đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài.

Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới và quá trình đô thị hóa một cách hợp lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và kết cấu hạ tầng nông thôn, ưu tiên hệ thống thủy lợi, giao thông vận tải; tăng cường kết nối nông thôn - đô thị, phối hợp các chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn với phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị.

Tóm lại, Đảng, Nhà nước cần có nhiều chính sách để tạo cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa cho xã hội, góp phần phát triển nhanh, đồng đều các cơ sở kinh tế nông nghiệp cả về số lượng và hiệu quả kinh tế, góp phần củng cố, tăng cường quan hệ sản xuất mới ở nông thôn và sớm hoàn thành Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu./.                                      

---------

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.10, tr.182.

(2). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.12, tr.474.

(3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.12, tr.754.

(4). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.10, tr.182.

(5). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.7, tr.56.

(6). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.10, tr.212.

(7). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2011, t.8, tr.42.

(8). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.92.

(9). Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Tập 1), Nxb.Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2021, tr.124.

Số lượt xem: 523

ThS. Huỳnh Thanh Tân, GV khoa Lý luận cơ sở

Dịch vụ công Quốc gia Hệ thống văn bản của tỉnh CSDL hộ kinh doanh Thư điện tử công vụ Một cửa điện tử
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ CHÂU VĂN ĐẶNG TỈNH BẠC LIÊU
Địa chỉ: Số 7, Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 0781. 3823965 Fax: 0781. 3829654