Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân trong tỉnh Bạc Liêu quyết liệt thúc đẩy nông nghiệp của tỉnh phát triển mạnh mẽ, tăng cả về số lượng và chất lượng, hướng đến phát triển nông nghiệp một cách bền vững.
Đến hết năm 2021, Ngành Nông nghiệp của tỉnh đạt một số kết quả, thành tựu như sau: sản lượng lúa đạt 1.222.319 tấn (tăng 4,37% so cùng kỳ); có trên 140.000 ha nuôi trồng thủy sản, với nhiều loại hình sản xuất nuôi trồng đa dạng mang lại lợi ích kinh tế, giá trị sản xuất thủy sản cao, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác 414.400 tấn (tăng 8,84% cùng kỳ); sản lượng tôm nuôi của tỉnh đứng thứ 02 cả nước và là tỉnh có quy mô sản xuất tôm giống lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời với phát triển tôm, thì việc phát triển cây lúa, nhất là mô hình tôm - lúa đã và đang có nhiều bước tiến bộ; diện tích, năng suất và giá trị gia tăng đều tăng qua từng năm. Riêng năm 2021 diện tích đạt 39.404 ha (tăng 10.000 ha so với năm 2015), lợi nhuận cao hơn 15 - 30% so với độc canh cây lúa. Cũng trong năm 2021 số công ty tham gia mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 23 công ty (tăng 53,3% so với cùng kỳ). Từ đó dẫn đến tăng trưởng toàn Ngành Nông nghiệp đạt 4,45% góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế chung của toàn tỉnh (GRDP) đạt 5,05%.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đã đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu nông sản tăng nhanh; Ngành Nông nghiệp tăng trưởng 4,76% góp phần quan trọng cho tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh (GRDP) đạt 7,45%. Ngành Nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò là “trụ đỡ” quan trọng trong phát triển kinh tế chung của tỉnh. Nuôi trồng thủy sản phát triển khá, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản nhiều khả quan, cùng với giá tôm có xu hướng tăng đã tạo tâm lý phấn khởi cho bà con nông dân; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP): đã có 91 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP.
Song, bên cạnh đó, nông nghiệp của tỉnh còn một số hạn chế, khó khăn như: nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, sản xuất nông nghiệp của tỉnh gặp nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến phức tạp; do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid 19 nên giá tôm nguyên liệu giảm, giá vật tư đầu vào không giảm, có thời điểm còn tăng làm ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của người nuôi tôm; giá vật tư đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá thức ăn đã làm ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của người nuôi tôm; giá vật tư nông nghiệp tăng ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng lúa; giá một số mặt hàng khai thác giảm, trong khi chi phí đầu vào liên tục tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu, dẫn đến hiệu quả khai thác không cao, nhất là đội tàu lưới kéo. Đa số người nuôi tôm còn khó khăn về vốn, số hộ đảm bảo thủ tục vay không nhiều, thiếu tài sản thế chấp hoặc đang thế chấp ngân hàng; việc ghi và nộp nhật ký khai thác thủy sản của chủ tàu đều được thực hiện, tuy nhiên có trường hợp chủ tàu nộp trễ hơn so với quy định, trình độ của chủ tàu còn hạn chế, nên việc ghi chép nhật ký khai thác thủy sản còn chưa đầy đủ; thiếu liên kết trong sản xuất, kinh doanh; thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn; cơ giới hóa chưa đồng bộ; năng suất lao động còn thấp; thu nhập của nông dân chưa cao, chênh lệch với thành thị còn lớn; ô nhiễm môi trường nông thôn gia tăng ở một số địa phương; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu còn yếu; tình trạng “được mùa mất giá”, còn xảy ra, gây thiệt hại nhiều mặt về kinh tế, xã hội trong tỉnh.
Để tiếp tục phát huy thành tựu, kết quả đã đạt được, khắc phục triệt để những hạn chế, yếu kém, tạo sự vượt bật, bền vững nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Thứ nhất, xác định việc phát triển bền vững nông nghiệp là của các ngành, các cấp trong tỉnh
Để phát triển nông nghiệp một cách bền vững thì cả hệ thống phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa. Cần nhận thức rằng, việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của người dân ở nông thôn là trách nhiệm, nghĩa vụ quan trọng của các tổ chức cơ sở đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể; tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, đề cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu. Đồng thời phải nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương trên lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh cần có cơ chế mạnh mẽ hơn nữa về hỗ trợ tín dụng, miễn, giảm các loại phí, thuế... để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp.
Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên ở các cấp, các ngành và người dân về trách nhiệm thực hiện phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Nâng cao vai trò Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giám sát, phản biện, cũng như vận động đoàn viên, hội viên, người dân trên địa bàn chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại nông nghiệp
Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 04 tháng 5 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về tăng cường xây dựng nông thôn mới nâng cao, về nông thôn mới kiểu mẫu (giai đoạn 2021-2025), đã khẳng định: Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân; thực hiện có hiệu quả Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp; tăng diện tích nuôi trồng thủy sản (tôm siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, tôm – lúa); phát huy nội lực của nông thôn, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh góp phần tăng thu nhập cho người dân và phát triển nông nghiệp bền vững.
Từ đó tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, khai thác và phát huy lợi thế nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao. Thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp tiếp tục chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt chuẩn về an toàn thực phẩm; xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao gắn kết chặt chẽ với chế biến, tiêu thụ.
Thưc hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung đầu tư phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, đưa Bạc Liêu trở thành tỉnh mạnh về kinh tế biển, làm giàu từ biển. Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ.
Thứ ba, nâng cao vai trò nhà nông, khẳng định nông dân là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp
Cần nhận thức rằng, nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp trên địa bàn. Các cấp ủy, chính quyền phải chú trọng nâng cao trình độ, năng lực làm chủ của nông dân theo hướng phát triển toàn diện, văn minh. Tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân tiếp cận được các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn của Nhà nước.
Để nâng cao vai trò nhà nông, thì bản thân nhà nông cũng nên thay đổi nhận thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hướng hợp tác cùng có lợi thay vì có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, có như vậy, nông dân mới tiến tới, đi vào hợp tác xã, tổ hợp tác để liên kết chuỗi giá trị sản xuất, giải quyết tốt đầu ra cho hàng hóa nông nghiệp, nông dân an tâm đẩy mạnh sản xuất.
Ngành Nông nghiệp đẩy mạnh việc tổ chức lại sản xuất và tích cực chuyển giao khoa học, công nghệ cho nông dân, đặc biệt là việc chuyển giao các giống cây trồng, vật nuôi mới, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các mô hình sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản có hiệu quả; hỗ trợ phát triển thị trường, đầu tư xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống, cung cấp thông tin, dịch vụ, đáp ứng yêu cầu tăng nhanh giá trị sản xuất nông nghiệp. Tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân tiếp cận các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, pháp lý, các kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển hạ tầng giáo dục, y tế nông thôn, dạy nghề nông thôn
Thứ tư, đẩy mạnh xây dựng quy hoạch tiểu vùng phù hợp trong phát triển nông nghiệp
Tăng cường quy hoạch xây dựng tiểu vùng nông nghiệp, có quy mô ngày càng lớn, hiện đại, sức cạnh tranh cao, phát triển bền vững; tập trung đầu tư quy hoạch phát triển tiểu vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi; ổn định tiểu vùng chuyên trồng lúa nước, nhưng có sự chuyển dịch mô hình 03 vụ lúa ở các khu vực khó khăn về nguồn nước ngọt sang mô hình 02 vụ lúa và 01 vụ màu, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Quy hoạch lại một phần đất trồng lúa sang trồng cây khác có hiệu quả cao hơn hoặc sử dụng đất cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn; đảm bảo công tác quy hoạch phát triển thủy lợi vừa có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, vừa tập trung phục vụ hiệu quả chuyên canh lúa, nuôi trồng thủy sản; phát triển chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng theo hướng vừa bảo tồn đa dạng sinh học vừa kết hợp du lịch sinh thái, nâng cao sinh kế cho người làm nghề rừng.
Rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu nguyên liệu đầu vào trong quá trình nuôi trồng của nông dân, từ đó quy hoạch, xây dựng doanh nghiệp sản xuất phục vụ lĩnh vực công nghiệp thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp, từng bước tự chủ nguồn cung, giảm giá thành, giảm chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Thứ năm, cần nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vị trí, vai trò của phát triển nông nghiệp
Xác định rõ, nông nghiệp là một lợi thế, là trụ đỡ, là nguồn lực quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh trển địa bàn. Vì vậy, cần phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, nâng cao giá trị, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sạch, tổ chức sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ.
Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, xem đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Đảng bộ, chính quyền địa phương cần phải tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị gia tăng.
Tóm lại, việc thực hiện tốt các nhiệm vụ trên sẽ góp phần phát triển bền vững nông nghiệp của tỉnh Bạc Liêu, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhà nông. Qua đó giúp nông dân ngày càng giàu hơn, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, xanh, sạch và đẹp hơn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân./.