Bạc Liêu là tỉnh duyên hải vùng Đồng bằng sông Cửu Long nằm trên bán đảo Cà Mau, là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Sự ưu đãi của thiên nhiên cộng với nét văn hóa đã tạo cho Bạc Liêu có những nét khác biệt so với các địa phương trong khu vực, góp phần phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, giải trí, thể thao, nghỉ dưỡng,…
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, ngành du lịch đã có bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế; thu hút đầu tư; tạo nhiều việc làm; xóa đói giảm nghèo; nâng cao dân trí; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; xây dựng và quảng bá hình ảnh đất, văn hóa, con người Bạc Liêu năng động, hiếu khách, thân thiện trọng nghĩa, trọng tình. Đặc biệt là từ khi có Nghị quyết 02 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch, hoạt động du lịch của Bạc Liêu có những bước chuyển biến cả về chất lượng và số lượng.
Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động du lịch của tỉnh còn những hạn chế, yếu kém nhất định như: sản phẩm du lịch vẫn chưa đa dạng phong phú, chưa tạo được sự khác biệt; công tác xúc tiến, quảng bá du lịch vẫn chưa chuyên nghiệp; hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ du lịch còn yếu và thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển du lịch; số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu; nhận thức của chính quyền và người dân về tác động của hội nhập quốc tế đối với du lịch còn hạn chế; ý thức bảo vệ môi trường cũng như văn hóa du lịch của một bộ phận người dân còn hạn chế; một số chính sách thúc đẩy phát triển du lịch còn bất cập, chưa tháo gỡ kịp thời; tình hình an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường tại một số điểm đến chưa được duy trì thường xuyên có hiệu quả; sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành đoàn thể và chính quyền địa phương về hoạt động du lịch còn thiếu chặt chẽ; chưa mang tính đồng bộ, quyết liệt. Một số địa phương chưa chủ động trong phát triển cơ cấu kinh tế nên chưa có chiến lược đầu tư, khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển du lịch của địa phương mình. Số lượng các cơ sở lưu trú trên địa bàn so với các tỉnh lân cận còn thấp, chưa được quy hoạch cụ thể; nguồn kinh phí dành cho du lịch còn hạn chế.
Để khắc phục nhũng hạn chế, yếu kém nêu trên đồng thời phát huy những tiềm năng và thế mạnh của tỉnh và để du lịch Bạc Liêu đáp ứng được yêu cầu trong hội nhập quốc tế đòi hỏi phải:
Một là, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vị trí, vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và đảm bảo môi trường, đặc biệt là góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người dân, thức đẩy giao lưu văn hóa giữa các địa phương (trong tỉnh, ngoài tỉnh, quốc tế).
Hai là, triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long” đã được Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt, nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh của tỉnh.
Ba là, tăng cường sự liên kết vùng trong phát triển du lịch, quảng bá du lịch của tỉnh đến các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các địa phương trong cả nước.
Bốn là, xây dựng các chương trình, dự án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh phù hợp với các giá trị văn hóa truyền thống, các điều kiện tự nhiên và bản sắc của địa phương. Tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm duy trì chất lượng sản phẩm du lịch, thiết lập hệ thống đánh giá và quản lý chất lượng sản phẩm du lịch, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các đơn vị tham gia tổ chức du lịch của tỉnh.
Năm là, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng về số lượng, chất lượng và cơ cấu. Đào tạo chuyên môn và nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác du lịch ngày càng được chuyên nghiệp hơn, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao để phục dụ khách du lịch càng lúc đông hơn. Nâng cao tính chuyên nghiệp của du lịch Bạc Liêu, tiếp tục xây dựng người Bạc Liêu “thân thiện, hiếu khách, văn minh, lịch thiệp” trong giao tiếp, ân cần trong phục vụ, nhằm tạo ấn tượng tốt đẹp cho du khách, góp phần thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với tỉnh nhà.
Sáu là, huy động các nguồn lực trong tỉnh và ngoài tỉnh để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật cho phát triển du lịch của tỉnh./.