Từ năm 2005 đến nay, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện, triển khai xây dựng và công bố năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (gọi tắt là PCI). PCI là bộ chỉ số bao gồm nhiều chỉ số thành phần như: chi phí gia nhập thị trường; tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; tính minh bạch; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; tính năng động của chính quyền địa phương; môi trường cạnh tranh bình đẳng; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; đào tạo lao động; thiết kế pháp lý và an ninh trật tự.
Trên tinh thần đó, thời gian qua Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu đã quyết tâm chỉ đạo việc nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Điều đó được thể hiện rõ nhất đó là, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 18 tháng 12 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XV về tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh (PCI) và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Bạc Liêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể của Nghị quyết: “Nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện cả về điểm số và xếp hạng, phấn đấu đưa chỉ số PCI của tỉnh đến năm 2020 nằm trong tốp 20 địa phương tốt nhất cả nước và duy trì thứ hạng này trong những năm tiếp theo”.
Tuy nhiên, so với cả nước thì năng lực cạnh tranh của tỉnh Bạc Liêu có thứ hạng quá thấp, như: năm 2018 xếp hạng 39, năm 2019 xếp hạng 51 và năm 2020 Bạc Liêu đứng cuối bảng - xếp hạng 63/63 tỉnh, thành phố. Từ những thứ hạng đó, rõ ràng chỉ số năng lực cạnh tranh ở tỉnh Bạc Liêu chưa đáp ứng kỳ vọng vào tốp 20 của cả nước. Cho nên, để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Bạc Liêu trong thời gian tới, theo tinh thần Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI: “Đẩy mạnh cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), môi trường đầu tư, kinh doanh”(1). Muốn vậy, cần thực hiện đồng bộ những nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, phát huy hơn nữa tính tiên phong, gương mẫu và đổi mới phong cách lãnh đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh
Đảm bảo vấn đề này, trước tiên phải thực hiện theo phương châm: nói đi đôi với làm và làm có hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở, coi trọng sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm. Phải thường xuyên quán triệt nghiêm túc, đầy đủ các Nghị quyết của Trung ương, của Đảng bộ tỉnh. Trong chỉ đạo phải thể hiện tính quyết tâm cao, thống nhất, đồng bộ, sáng tạo từ khâu ra Nghị quyết đến tổ chức chỉ đạo thực hiện, có sự phân công trách nhiệm rõ ràng. Coi trọng tính toàn diện nhưng biết tập trung dồn sức cho những lĩnh vực then chốt, trọng tâm, trọng điểm, có tính đột phá tạo động lực phát triển, luôn xác định phát triển kinh tế là trung tâm.
Hai là, quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính
Thực hiện công việc này nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thông qua việc triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước để tăng cường tính công khai, minh bạch. Tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp khai thác có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, kiên quyết xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức có thái độ vòi vĩnh, sách nhiễu người dân và doanh nghiệp. Thực hiện việc xin lỗi cá nhân, tổ chức khi để xảy ra tình trạng chậm, muộn trong giải quyết thủ tục hành chính. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trong thực hiện cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ ở các cấp, các ngành trong tỉnh.
Ba là, đẩy mạnh công tác đào tạo và tích cực huy động các nguồn lực
Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân theo hướng đào tạo trực tiếp tại các doanh nghiệp, sử dụng các phương tiện hiện đại, khai thác kiến thức từ các chương trình trực tiếp trên Internet, mạng xã hội…; lựa chọn những lĩnh vực, chuyên đề mà cộng đồng doanh nhân trên địa bàn còn yếu để mời các chuyên gia, các doanh nhân thành đạt chia sẻ.
Phát huy nội lực và tranh thủ các nguồn lực đầu tư bên ngoài nhằm đảm bảo thúc đẩy phát triển kinh tế. Khơi dậy tính năng động, sáng tạo của các thành phần kinh tế, như: kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Bốn là, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi
Đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua việc nghiên cứu thành lập, tổ chức và vận hành các mô hình vườn ươm doanh nghiệp. Cần tổ chức lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp, tư vấn pháp lý và giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp bằng các hoạt động đối thoại chính quyền, tổ chức làm việc hàng tháng giữa lãnh đạo tỉnh với đại diện các Hiệp hội doanh nghiệp. Nghiên cứu xây dựng thêm các tiện ích và nâng cao hiệu quả hoạt động của cổng thông tin điện tử hỗ trợ doanh nghiệp để nắm bắt và giải quyết trực tiếp các kiến nghị của doanh nghiệp và doanh nhân.
Các Hiệp hội doanh nghiệp phải phát huy hơn nữa vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, để trở thành cánh tay nối dài của chính quyền tỉnh và là “bệ đỡ” cho các doanh nghiệp. Phối hợp với sở, ban ngành tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, chương trình hỗ trợ của tỉnh đối với doanh nghiệp; chủ động đóng góp ý kiến vào các cơ chế, chính sách, đề án quy hoạch của tỉnh.
Năm là, luôn đặt người dân và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm
Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận các chính sách, cơ hội, nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh một cách minh bạch, công bằng, đúng đối tượng và thường xuyên chăm lo tạo điều kiện để các doanh nhân chủ động sản xuất kinh doanh.
Chính quyền tỉnh luôn là người đồng hành, gần gũi của những doanh nghiệp làm ăn chân chính. Doanh nghiệp phải luôn luôn hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ đối với xã hội, thực sự đóng góp vào sự phát triển chung trên địa bàn của tỉnh. Phải kiên quyết ngăn chặn và xử lý các doanh nghiệp làm ăn gian dối, vi phạm pháp luật, gây ô nhiễm môi trường, tác động nguy hại đến quốc phòng - an ninh… Từ đó sẽ không gây ảnh hưởng xấu đến cả cộng đồng doanh nghiệp.
Sáu là, phát huy dân chủ và tăng cường sự đoàn kết
Phát huy dân chủ gắn liền với thực hiện kỷ cương, kỷ luật, nêu cao vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Luôn giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết, xây dựng bản lĩnh chính trị, vững vàng trong mọi tình huống, thống nhất cao về ý chí và hành động. Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh phong trào thi đua, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Bảy là, sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách
Cần hoàn thiện, bổ sung cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn và quy định hiện hành. Việc gì tháo gỡ được thì cần làm ngay, việc gì chưa giải quyết được phải có lộ trình cụ thể và báo cáo Trung ương để sớm giải quyết. Tiên phong, quyết liệt thực hiện cải cách tổ chức, bộ máy. Qua đó bộ máy của hệ thống chính trị sẽ được đổi mới, sắp xếp tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, với mục tiêu rõ ràng là xây dựng được một chính quyền đổi mới, năng động, sáng tạo, có khả năng giải trình cao, thực sự cầu thị, gần dân và luôn sát cánh cùng doanh nghiệp để phục vụ và kiến tạo phát triển./.
(1) Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XVI, tr. 94