Liên kết web
Thăm dò
Thống kê truy cập

null Những thành tựu đạt được trong xây dựng nông thôn mới; nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở tỉnh Bạc Liêu trong thời gian qua

Tin tức|Tin tức sự kiện|Tin tổng hợp
Thứ ba, 18/05/2021, 10:43
Màu chữ Cỡ chữ
Những thành tựu đạt được trong xây dựng nông thôn mới; nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu ở tỉnh Bạc Liêu trong thời gian qua

        Qua 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bạc Liêu đã huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia, trong đó, tập trung xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp đường giao thông nông thôn, 100 ấp có đường giao thông liên ấp, 49/49 xã có đường ô tô đến trung tâm. Các địa phương vận động nhân dân hiến hàng chục nghìn m2 đất, đóng góp hàng nghìn ngày công lao động và đầu tư chỉnh trang nhà ở, tạo cảnh quan, môi trường... Diện mạo nông thôn của tỉnh khởi sắc, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết nhân dân.
        Cùng với đó, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ. Lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục được quan tâm; chú trọng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nhiều mô hình phát triển kinh tế được nhân rộng, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 3%. Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của Bạc Liêu giảm còn dưới 1%. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 58 triệu đồng; 99,8% hộ nông dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Hơn 71% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch an toàn theo quy chuẩn Việt Nam 02-BYT. Số hộ sử dụng điện đạt trên 99%.
        Đến nay, Bạc Liêu có 49/49 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh đề ra; 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 67/67 ấp đạt chuẩn ấp nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Phước Long (một trong 07 huyện, thị, thành phố trong tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới vào năm 2017.
        Bên cạnh những kết quả đạt được. Qua 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại Bạc Liêu cũng đã bộc lộ những khó khăn đó là: 
        Thứ nhất, đường giao thông nông thôn mới chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại cho xe 2 bánh, lưu thông hàng hóa chưa dễ dàng; một số nơi nặng tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, hạn chế quan tâm các tiêu chỉ không cần nhiều vốn, đặc biệt là liên kết bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ phát triển ngành nghề…
        Những khó khăn cần tháo gỡ: là một trong những khó khăn nhất của tỉnh, trình độ dân trí không đồng đều, lao động được đào tạo chiếm tỷ lệ thấp; tư duy về sản xuất hàng hoá, kinh tế thị trường trong đại đa số nông dân còn hạn chế, đời sống của người dân còn thấp. Vì vậy, việc huy động nội lực trong dân để xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi thủy nông nội đồng hay tổ chức sản xuất gặp không ít khó khăn. Trong quá trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới vướng mắc lớn nhất là, công tác quy hoạch nông thôn mới. Quy hoạch nông thôn mới là vấn đề mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực và quy hoạch mang tính chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội nên trong quá trình triển khai các đơn vị tư vấn và kể cả cán bộ cơ sở còn lúng túng, có lúc cấp xã còn khoán trắng cho đơn vị tư vấn.
        Thứ hai, vấn đề nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Ngoài kinh phí nhà nước hỗ trợ thì nông dân nhiều nơi không có điều kiện để đóng góp.
      Thứ ba, thay đổi nhận thức của người dân. Nhiều người dân, thậm chí cả cán bộ cấp xã vẫn còn cho rằng đây là dự án do nhà nước đầu tư để xây dựng cơ sở hạ tầng. 
Thứ tư, đội ngũ cán bộ cấp huyện đều kiêm nhiệm, cấp xã ở một số nơi vừa yếu, vừa thiếu và năng lực hạn chế, nên triển khai thực hiện đôi lúc còn lúng túng.
        Để việc xây dựng nông thôn mới; nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trong thời gian tới đạt kết quả cao hơn nữa cần thực hiện một số giải pháp sau:
Giải pháp về xây dựng nông thôn mới
        Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; huy động cả hệ thống chính trị thực hiện Chương trình; Đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người hiểu đầy đủ, sâu sắc vị trí, vai trò nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền theo chiều sâu, tạo sự đồng thuận cao trong cộng động, để người dân chủ động tham gia đóng góp ý kiến xây dựng.
        Hai là, việc đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới cần tập trung thực hiện những tiêu chí dễ, không cần nhiều vốn đầu tư làm trước, những tiêu chí khó, cần nhiều vốn đầu tư làm sau, tránh được tư tưởng ỷ lại, trông chờ, hay nóng vội; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai, minh bạch trong cộng đồng các công trình phúc lợi công cộng nhà nước và nhân dân cùng làm, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong công tác giám sát.
        Ba là, tăng cường nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển sản xuất. Cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất, xem đây là giải pháp hàng đầu để thực hiện chương trình một cách hiệu quả, bền vững. Tập trung nguồn lực đầu tư nghiên cứu khoa học, đặc biệt ưu tiên cho khoa học ứng dụng, khoa học công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản và chế biến nông, thủy sản; chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ vào nông nghiệp, các ngành nghề nông thôn tạo sự đột phá, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích và khả năng cạnh tranh của nông sản; xây dựng các vùng, khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch. Đẩy mạnh xã hội hóa trong nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; tăng cường khuyến nông trên cơ sở đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu quả.
        Bốn là, tập trung các giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững theo phương pháp tiếp cận đa chiều; đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đào tạo nghề cần gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ của địa phương.
        Năm là, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện Chương trình. Trong đó, ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất và sinh kế cho người dân, hoàn thiện kết cấu hạ tầng thiết yếu. Việc huy động mức đóng góp của nhân dân phải được bàn bạc dân chủ, công khai, minh bạch và được sự đồng tình, nhất trí của cộng đồng; không yêu cầu dân đóng góp bắt buộc và không huy động quá sức dân; không huy động đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ đặc biệt khó khăn; động viên khuyến khích nhân dân thực hiện tốt những phần việc do mình đảm nhiệm. 
        Sáu là, tập trung chỉ đạo xử lý giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản thuộc Chương trình giai đoạn 2016 – 2020 và không để phát sinh nợ đọng, mất cân đối cho xây dựng cơ bản giai đoạn 2021 – 2025.
        Bảy là, nâng cao năng lực của Ban Chỉ đạo các cấp và bộ máy quản lý, điều hành thực hiện Chương trình. Thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp. Công tác thẩm định, đánh giá và xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới phải được thực hiện đúng quy định, các tiêu chí được công nhận đạt chuẩn phải đảm bảo chất lượng bền vững; quy trình xem xét công khai, minh bạch, dân chủ, không chạy theo thành tích.
        Trên cơ sở những giải pháp đã được Ban Chấp hành Đảng bộ đề ra, Ban cán sự đảng UBND tỉnh cụ thể hóa Nghị quyết, nhất là các giải pháp khả thi về nguồn lực để đảm bảo việc thực hiện, chỉ đạo các sở, ngành chức năng, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh thể chế hóa Nghị quyết thành cơ chế, chính sách và tăng cường theo dõi, giám sát việc thực hiện.
Giải pháp về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
        Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đào tạo, tập huấn. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến mọi tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho độ ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp.
         Hai là, tham mưu về cơ chế, chính sách. Tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, hướng dẫn quy trình, thủ tục xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
         Ba là, đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tập trung đẩy nhanh thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển ngành nghề, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất bao gồm cả nông nghiệp công nghệ cao. Mỗi địa phương căn cứ điều kiện thực tế, nghiên cứu lựa chọn một số hạng mục để tập trung ưu tiên triển khai, tạo chuyển biến đột phá trên phạm vi của địa phương mình.
        Bốn là, hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố cải thiện chất lượng môi trường nông thôn, tập trung xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển giáo dục, y tế và xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới, giữ vững an ninh, trật tự nông thôn. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các tiêu chí nông thôn mới đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn hướng đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, khu dân cư xóm ấp kiểu mẫu./.

Số lượt xem: 1062

ThS Nguyễn Hồng Kông, Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

Dịch vụ công Quốc gia Hệ thống văn bản của tỉnh CSDL hộ kinh doanh Thư điện tử công vụ Một cửa điện tử
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ CHÂU VĂN ĐẶNG TỈNH BẠC LIÊU
Địa chỉ: Số 7, Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 0781. 3823965 Fax: 0781. 3829654