Nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề ở Chi bộ Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị Châu Văn Đặng
Sinh hoạt đảng bộ, chi bộ ở cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng nội bộ đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, bảo đảm cho tổ chức đảng và toàn Đảng giữ vững vị trí lãnh đạo cách mạng đi đến thắng lợi vẻ vang. Sinh hoạt đảng bộ, chi bộ là cơ sở để giáo dục, rèn luyện, nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực công tác, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ đảng viên, là cơ sở để đảng viên phát huy năng lực sáng tạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, trong đó, sinh hoạt chuyên đề là nhiệm vụ quan trọng và là một nhân tố quyết định vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Sinh hoạt chuyên đề là hình thức sinh hoạt chỉ đi sâu thảo luận, giải quyết một hoặc một vài vấn đề mà chi bộ thấy cần thiết, mang tính cốt lõi trong lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ đối với yêu cầu nhiệm vụ đang đặt ra, qua đó đề ra giải pháp tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của sinh hoạt chuyên đề trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng bộ, chi bộ ở cơ sở. Thời gian qua, Đảng bộ Trường Chính trị Châu Văn Đặng tỉnh Bạc Liêu chú trọng đổi mới nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ định kỳ và sinh hoạt chi bộ theo chuyên đề gắn với nhiệm vụ chính trị của Trường.
Thực hiện Kết luận số 18-KL/TW, ngày 22/9/2017 của Ban Bí thư Trung ương khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10 của Ban Bí thư; Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW, ngày 06/7/2018 của Ban Tổ chức Trung ương về “Hướng dẫn một số vấn đề về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”; Hướng dẫn số 07-HD/BTCTU, ngày 13/12/2018 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bạc Liêu về “Nội dung sinh hoạt chi bộ”; Hướng dẫn số 05-HD/ĐUK, ngày 19/02/2019 của Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh Bạc Liêu về “Quy trình, nội dung sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ và tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Trường Chính trị Châu Văn Đặng. Chi bộ Khoa Xây dựng Đảng nhận định sinh hoạt chuyên đề là vấn đề cấp thiết, có ý nghĩa thiết thực đối với đảng viên, là nhiệm vụ của đảng viên. Do đó, Chi bộ Khoa Xây dựng Đảng đã nghiêm túc triển khai sinh hoạt chuyên đề và bước đầu đạt được những kết quả.
Năm 2021, Chi bộ Khoa Xây dựng Đảng đã họp, hội ý, xây dựng kế hoạch và tiến hành sinh hoạt chuyên đề gắn với nhiệm vụ chính trị được giao. Các chủ đề đưa ra thảo luận một cách sôi nổi, các đảng viên đã cùng nhau thảo luận, làm sáng tỏ và thống nhất các vấn đề sinh hoạt chuyên đề như: Nâng cao chất lượng bài giảng, thảo luận các phần học do Khoa đảm trách; tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt Chi bộ Khoa Xây dựng Đảng; xây dựng và triển khai các giải pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên của chi bộ… Qua đó, các đảng viên cùng trao đổi kinh nghiệm, tìm ra những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong công tác chuyên môn, giúp cho đội ngũ giảng viên, đặc biệt là giảng viên trẻ nâng cao trình độ chuyên môn và nghiệp vụ. Từ đó, đảng viên trong chi bộ nhận thức sâu sắc hơn những vấn đề đang đặt ra, kiên định lập trường chính trị, giữ vững phẩm chất, nhân cách của người đảng viên.
Phương pháp, hình thức sinh hoạt chuyên đề luôn được Chi bộ Khoa Xây dựng Đảng quan tâm, thường xuyên đổi mới theo hướng đa dạng, phong phú, hấp dẫn, thiết thực. Chi bộ phân công nhiệm vụ đến từng đảng viên chuẩn bị nội dung theo chủ đề và hình thức sinh hoạt. Với tinh thần dân chủ, cởi mở, trách nhiệm, các đảng viên trong chi bộ thảo luận, trong đó tập trung đưa ra những nhận xét, đánh giá của cá nhân và đề xuất những giải pháp thiết thực để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khắc phục những hạn chế nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác đảng cũng như nhiệm vụ công tác chuyên môn. Chi bộ luôn nắm vững nội dung sinh hoạt để gợi mở cho đảng viên đóng góp ý kiến và lắng nghe, tiếp thu, tổng hợp, kết luận đúng, đầy đủ nội dung chi bộ đã thảo luận.
Qua một thời gian duy trì và nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên đề ở Chi bộ Khoa Xây dựng Đảng, đến nay sinh hoạt chuyên đề đã đi vào nền nếp, nội dung, hình thức sinh hoạt không ngừng được đổi mới, phù hợp với tính chất và nhiệm vụ chính trị được giao. Tuy nhiên, trong quá trình sinh hoạt một số đảng viên chuẩn bị nội dung chưa chu đáo; chưa mạnh dạn đề xuất các ý kiến, các giải pháp để thực hiện tốt nội dung của sinh hoạt chuyên đề. Để phát huy những thành quả đã đạt được trong các buổi sinh hoạt chuyên đề, nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của đảng viên về ý nghĩa của vấn đề này trong thời gian tới, theo tôi đề xuất những giải pháp sau:
Thứ nhất, về công tác xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức sinh hoạt chuyên đề. Trên cơ sở kế hoạch của Đảng bộ Trường, chi bộ căn cứ vào nội dung, yêu cầu công tác, họp, thảo luận thống nhất nội dung chuyên đề cụ thể cho phù hợp. Để nội dung sinh hoạt thật sự chất lượng và không đơn điệu. Chi bộ phân công đảng viên chuẩn bị nội dung, sưu tầm, thu thập số liệu, xây dựng dự thảo để báo cáo trước chi bộ. Mỗi đảng viên cần chuẩn bị kỹ nội dung để trao đổi, thảo luận. Đây cũng là một cách để giải quyết những vấn đề còn băn khoăn, vướng mắc của đảng viên, đảm bảo mỗi một đảng viên vững về chính trị, tư tưởng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thứ hai, chi bộ quán triệt mỗi quý thực hiện một chuyên đề, không dàn trải, nhiều vấn đề mà đi vào những vấn đề trọng tâm. Những vấn đề đặt ra liên quan đến nhiệm vụ chính trị đang thực hiện, gắn nội dung sinh hoạt chi bộ với công tác chuyên môn như: phương pháp giảng dạy, phương pháp nghiên cứu khoa học, đi nghiên cứu thực tế của giảng viên, tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII và Chỉ thị số 06-CT/TU ngày 06/7/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu… chi bộ tập trung thảo luận thẳng thắn và giải quyết những vấn đề cụ thể, thiết thực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của chi bộ, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đảng viên.
Thứ ba, chi bộ cần nâng cao tinh thần, trách nhiệm của đảng viên trong việc tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến trong sinh hoạt chuyên đề, nhất là đánh giá những hạn chế, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục, trên tinh thần xây dựng, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật Đảng, xây dựng đoàn kết, thống nhất cao trong chi bộ. Phát huy tính dân chủ, nâng cao tinh thần, trách nhiệm thực hiện tự phê bình và phê bình của đảng viên trong việc tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến trong sinh hoạt chuyên đề. Đảm bảo các ý kiến đưa ra được thảo luận kỹ theo nguyên tắc tập trung dân chủ.
Thứ tư, chất lượng của sinh hoạt chuyên đề gắn với sự chỉ đạo kịp thời của chi bộ. Do đó, chi bộ thường xuyên trao đổi, bàn bạc để đưa ra những chủ đề phù hợp, ý nghĩa đối với đảng viên. Lãnh đạo chi bộ cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nội dung sinh hoạt của đảng viên và tổ chức sinh hoạt chuyên đề, thường xuyên rút kinh nghiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện, kịp thời khắc phục những hạn chế, thiếu sót; biểu dương kịp thời những đảng viên thực hiện tốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”(1) . Do đó, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề là nhân tố quyết định vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, giúp đảng viên nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng và thực hiện tốt các nhiệm vụ của người đảng viên. Thực hiện tốt những giải pháp đã đặt ra, Chi bộ Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị Châu Văn Đặng sẽ duy trì và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề, góp phần xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh./.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, HN.2002, t.10, tr.92