Một số vấn đề cần lưu ý trong giảng dạy lý luận chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu của việc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong giai đoạn hiện nay
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nội dung cơ bản, hệ trọng, có ý nghĩa sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Những năm qua, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững, bổ sung và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi các âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, không ngừng củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, phương thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với nền tảng tư tưởng của Đảng ta ngày càng tinh vi và xảo quyệt hơn. Chúng công khai tấn công vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và nền tảng tư tưởng của Đảng ta là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, để thực hiện nhanh hơn sự chống phá, chúng huy động, sử dụng triệt để các phương tiện truyền thông xã hội xuyên tạc, vu khống, đặt điều nhằm chống phá sự lãnh đạo và nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội nhằm gây hoang mang, hoài nghi trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ngoài ra, chúng còn tổ chức lực lượng viết các bài núp bóng cái gọi là "lý luận" để bóp méo các quan điểm, tư tưởng cốt lõi của các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu của sự chống phá, các thế lực phản động hướng đến không chỉ là các tầng lớp nhân dân trong xã hội, mà còn là những cán bộ, đảng viên. Chúng lôi kéo và sử dụng triệt để các phần tử có hiểu biết luật pháp và trình độ nhất định nhưng bất mãn chính trị, để chống lại chế độ ta. Đặc biệt, chúng tập hợp lực lượng trong và ngoài nước tập trung khuyếch đại, thổi phồng những yếu kém, khuyết điểm của Đảng và Nhà nước, tạo ra sức ép từ nhiều phía hòng phế bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa và cũng là để đánh lạc hướng, gây hoang mang trong dư luận. Chúng không ngừng tìm kiếm những phần tử thoái hóa, biến chất trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là những kẻ bất mãn, cơ hội chính trị, có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để tán phát tư tưởng phản động, chống phá Đảng, Nhà nước.
Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay để tăng cường và không ngừng nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, cần nhận diện rõ bối cảnh mới, những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, từ đó đề ra định hướng, giải pháp phù hợp:
Một là, quán triệt Nghị quyết số 35-NQ/TW do Bộ Chính trị khoá XII ban hành ngày 22-10-2018 “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Nghị quyết chỉ rõ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng; bảo vệ nhân dân, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước”. Đồng thời xác định: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng”. Do vậy, trong nghiên cứu giảng dạy lý luận chính trị cần phải nắm và hiểu rõ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì từ khi ra đời cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, cơ sở lý luận và kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng. Do vậy, khi tiến hành đấu tranh với các quan điểm thù địch, sai trái, cần nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn những quan điểm lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; cần có những nghiên cứu chuyên sâu, có hệ thống trong việc xác định, làm rõ những luận điểm nào đúng và phù hợp với thực tiễn hiện tại; những luận điểm nào không còn phù hợp do thực tiễn đã thay đổi; những luận điểm đúng nhưng bị nhận thức và vận dụng sai; những luận điểm nào cần được phát triển, cần nhận thức lại, để bổ sung vào lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin cho phù hợp với bối cảnh mới. Như vậy, chúng ta mới có đầy đủ cơ sở lý luận trong đấu tranh, phản bác một cách hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay.
Hai là, phát huy sức mạnh thế giới quan và phương pháp luận duy vật biện chứng trong hoạt động thực tiễn để bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để tránh không rơi vào hai thái cực: chủ nghĩa cơ hội, xét lại hoặc bảo thủ, cực đoan, giáo điều. Điều này đã được V.I.Lênin phân tích rõ trong bài viết: “Về một số đặc điểm trong sự phát triển lịch sử của chủ nghĩa Mác”. Trong đó, Lênin nhắc lại luận điểm nổi tiếng của Ph.Ăngghen trong việc khẳng định chủ nghĩa Mác không phải là giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động cách mạng và nhấn mạnh tới phương diện quan trọng này của chủ nghĩa Mác mà người ta thường hay quên không nhìn tới. Người viết: “Mà quên không nhìn tới phương diện ấy thì chúng ta sẽ làm cho chủ nghĩa Mác trở thành phiến diện, quái dị, chết cứng, sẽ vứt bỏ linh hồn sống của nó, sẽ phá hủy cơ sở lý luận cơ bản của nó - tức là phép biện chứng, học thuyết về sự phát triển lịch sử toàn diện và đầy mâu thuẫn; như thế chúng ta sẽ phá hủy sự liên hệ giữa chủ nghĩa Mác với những nhiệm vụ thực tiễn nhất định của thời đại, những nhiệm vụ có thể biến đổi ở mỗi bước ngoặt mới của lịch sử”(1). Từ đó, giúp chúng ta khẳng định trong nghiên cứu lý luận, sự bổ sung, làm mới lý luận không phải là “chuyển hướng”, thay đổi mục tiêu mà để tiệm cận đến chân lý, sát thực với thực tiễn hơn.
Ba là, về tầm nhìn và sự nhất quán của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với công tác tư tưởng, lý luận làm cơ sở cho việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Có thể thấy từ Đại hội VI đến nay, công tác tư tưởng, lý luận được Đảng ta đặc biệt quan tâm, đầu tư nghiên cứu, nhất là trong nghiên cứu những vấn đề lý luận và tổng kết thực tiễn của công cuộc đổi mới như: Nghị quyết số 01-NQ/TW, ngày 28/3/1992 của Bộ Chính trị khóa VII về “Công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX (Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 18/3/2002 về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới); Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X (Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 01/8/2007 về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới); Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị khóa XI về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030… Các nghị quyết trên đã đánh dấu những bước chuyển mới trong nhận thức về vai trò của công tác tư tưởng, lý luận trong việc định hướng cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tiếp đó, trên cơ sở nhận diện xu thế phát triển của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, cùng với đó là sự nhận định về những thay đổi trong phương thức chống phá của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng, lý luận, Đảng ta tiếp tục đưa ra sự chỉ đạo đối với công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới, đó là: “Tích cực đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động phòng ngừa, đấu tranh phê phán, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”(2), và đặt ra yêu cầu: “Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch”(3). Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), Đảng ta tiếp tục chỉ rõ: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” trong đó nhấn mạnh phải chủ động chuẩn bị các phương án, biện pháp cụ thể, sát với tình hình; xây dựng lý luận sắc bén để đấu tranh, phản bác có hiệu quả với các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó, trong giảng dạy lý luận chính trị cần bám sát và cụ thể hóa nội dung của các Nghị quyết đã đề ra để phù hợp với yêu cầu và sự định hướng cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ta trong tình hình mới.
Bốn là, nhận thức đầy đủ về thành quả qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới mà đất nước ta đã đạt được. Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bộ mặt đất nước, đời sống của nhân dân thật sự thay đổi; dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và mở rộng; đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường. Công tác xây dựng Ðảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được đẩy mạnh; sức mạnh về mọi mặt của đất nước được nâng lên; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững; quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng đi vào chiều sâu; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao… Thành tựu đó là do Ðảng ta có đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với lợi ích, nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân ủng hộ, thực hiện, được bạn bè quốc tế ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ. Mặt khác, trong lãnh đạo đất nước Ðảng đã nhận thức, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại cùng với việc vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với thế giới và trong nước, từ đó giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên định lý tưởng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Tóm lại, để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới trong giảng dạy lý luận chính trị cần phải nắm vững quan điểm có tính nguyên tắc, mang ý nghĩa sống còn của Đảng ta, đó là: kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; bám sát tổng kết thực tiễn những thành quả về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại… Trên cơ sở đó, công tác bảo vệ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, ngăn chặn và đẩy lùi các âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội sẽ được thực hiện triệt để, hiệu quả. Từ đó, góp phần củng cố niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên con đường Đảng ta đã chọn, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, kiên định đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.
(1) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát xcơva, 1980, t.20, tr.99
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia. H. 2016, tr. 186
(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia. H. 2016, tr. 201