Một số kinh nghiệm tổ chức thi vấn đáp phần I.1: “Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin” ở Trường Chính trị Châu Văn Đặng tỉnh Bạc Liêu
Thi kết thúc môn học hoặc phần học là một trong những khâu quan trọng của quá trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị - hành chính ở các Trường Chính trị tỉnh, thành phố. Kết quả thi là nhằm đánh giá kết quả tiếp thu kiến thức của học viên, năng lực thu nhận kiến thức qua bài giảng, qua các buổi thảo luận; năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn công tác.
Thực hiện Quy chế “Đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính” ban hành kèm theo Quyết định số 2252-QĐ/HVCTQG ngày 02/5/2019 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; tại chương V, mục 1 đã quy định rõ: “Hình thức thi: thi hết phần học có thể được thực hiện dưới các hình thức: tự luận, trắc nghiệm, vấn đáp”. Trường Chính trị Châu Văn Đặng tỉnh Bạc Liêu thời gian qua đã tổ chức thi vấn đáp một số phần học ở các lớp Trung cấp lý luận chính trị - hành chính, trong đó có Phần I.1: “Những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin”. Qua những lần tổ chức thi vấn đáp ở Phần I.1 cho các lớp tôi nhận thấy có những ưu điểm và hạn chế sau:
Đối với giảng viên, với vai trò là giám khảo hỏi thi, giảng viên có cơ hội trực tiếp kiểm tra mức độ đáp ứng của học viên với những nội dung của các câu hỏi, qua đó có thể trực tiếp đánh giá kết quả giảng dạy và có những điều chỉnh nếu cần thiết. Đồng thời, giảng viên có cơ hội nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của học viên, thu nhận những kiến thức, kinh nghiệm thực tế tại đơn vị, địa phương của học viên, từ đó làm giàu thêm kiến thức, kỹ năng, nhất là kiến thức thực tế.
Đối với học viên, thi vấn đáp là dịp để học viên trực tiếp thể hiện những kiến thức mình đã thu nhận được trong quá trình học tập, hiểu rõ bản chất của vấn đề qua liên hệ thực tiễn công tác của bản thân; rèn luyện khả năng trình bày bằng ngôn ngữ nói, tránh tình trạng lúng túng khi phải trình bày một vấn đề nào đó trước đông người; khi trả lời câu hỏi, những kiến thức còn thiếu, chưa chính xác, chưa đúng yêu cầu,… giảng viên có thể gợi ý, hướng dẫn học viên thay đổi cách tư duy, tập trung vào nội dung cơ bản của vấn đề cần trình bày, qua đó góp phần củng cố kiến thức cho học viên…
Phần học I.1 có nhiều mảng kiến thức đòi hỏi giám khảo hỏi thi phải nắm vững các mãng kiến thức này thì mới có thể giải thích một cách thấu đáo những vấn đề học viên còn chưa rõ. Thời gian qua, trong hỏi thi vấn đáp vẫn còn một vài giảng viên (nhất là giảng viên mời ở các khoa, phòng khác) còn thiếu kỹ năng trong vấn đề đặt câu hỏi, gợi mở cho học viên trả lời. Một số học viên còn hạn chế về kinh nghiệm thực tiễn, về kỹ năng nói; còn tâm lý lo sợ khi đối diện trực tiếp với giảng viên nên trong lúc trả lời còn lúng túng, ảnh hưởng đến kết quả thi.
Từ những ưu điểm và hạn chế nêu trên, để hình thức thi vấn đáp Phần I.1 đạt hiệu quả cao trong thời gian tới thì cần thực hiện một số vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, đối với các khoa chuyên môn trước khi khai giảng lớp học phải xây dựng kế hoạch thi vấn đáp, dự kiến danh sách giảng viên hỏi thi, cần chủ động bố trí môn thi có đầy đủ các giảng viên trong khoa tham gia giảng dạy, nếu giảng viên trong khoa không đủ thì mời thêm giảng viên kiêm nhiệm. Cần dự phòng các giảng viên thay thế trong trường hợp các giảng viên chấm chính đi học hay ốm đau đột xuất. Kế hoạch thi phải ttrình Phó Hiệu trưởng phụ trách phê duyệt; giữa Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu; Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học chủ động xếp lịch thi, địa điểm thi thích hợp để tránh trùng lịch đối với giảng viên.
Thứ hai, phải xây dựng đề thi với lượng nội dung kiến thức vừa đủ với thời gian quy định của thi vấn đáp. Nội dung các câu hỏi cần phải dàn đều các bài trong phần học nhưng ngắn gọn, dễ hiểu, khối lượng kiến thức không quá nhiều và có tính chất gợi mở cho học viên. Đồng thời, thay đổi nội dung các câu hỏi ở các lớp để làm phong phú ngân hàng câu hỏi và phù hợp với từng đối tượng.
Đề thi và đáp án thi vấn đáp phải gửi trước cho giảng viên nghiên cứu. Cần phải nghiên cứu kỹ những kiến thức của từng đề và những kiến thức khác có liên quan. Giảng viên hỏi câu hỏi phụ thích hợp với nội dung của đề và sát với địa phương, đơn vị học viên công tác.
Thứ ba, phổ biến đầy đủ hình thức thi vấn đáp cho học viên nắm: mỗi phần thi có 10 đề, mỗi đề có 02 câu; mỗi em được bóc 01 đề, bóc một lần, bóc lần thứ hai bị trừ điểm; thời gian chuẩn bị là 15 phút, trả lời 15 phút… Vì phần I.1 là phần học đầu của chương trình và học viên cũng mới thi vấn đáp lần đầu.
Trước khi học viên trả lời câu hỏi giảng viên cần nắm rõ đối tượng (nơi công tác, chức vụ…) để có câu hỏi phụ và câu hỏi có liên quan phù hợp với địa phương, đơn vị học viên công tác. Giảng viên phải lắng nghe và tạo không khí thoải mái, tự tin cho học viên trả lời câu hỏi thực tế.
Thứ tư, đối với giảng viên trực tiếp chấm thi cần thường xuyên trau dồi kiến thức, nghiên cứu toàn bộ nội dung phần học, kể cả những bài mình không tham gia giảng dạy để nắm bắt được toàn bộ nội dung môn học. Ngoài ra, cần chuẩn bị các câu hỏi phụ kỹ càng, câu hỏi không đánh đố học viên mà mang tính gợi mở, thực tế để giúp học viên dễ trả lời.
Thứ năm, đối với học viên, trước khi thi cần thuộc nội dung những câu hỏi đã có. Ngoài ra, cần đọc, nghiên cứu, tìm hiểu thêm các phần liên quan và liên hệ thực tế để trả lời tốt các câu hỏi phụ. Khi đối diện với giám khảo hỏi thi tâm lý phải thoải mái, tự tin để trả lời tốt câu hỏi.
Những vấn đề nêu trên nếu được áp dụng sẽ góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hình thức thi vấn đáp đối với phần I.1. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tỉnh nhà trong thời gian tới./.