Kinh nghiệm trong giảng dạy phần học “Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin” ở Trường Chính trị Châu Văn Đặng tỉnh Bạc Liêu
Giáo dục lý luận chính trị là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng; do đó, việc thường xuyên nghiên cứu để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị là yêu cầu cấp thiết của Đảng hiện nay. Nhiệm vụ này là nhiệm vụ chủ yếu của các cấp ủy đảng từ trung ương đến các địa phương, trong đó, có hệ thống các Trường Chính trị tỉnh. Thông qua quá trình giảng dạy lý luận chính trị tại các Trường Chính trị tỉnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức,… ở các địa phương sẽ được nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, lập trường chính trị kiên định và bản lĩnh chính trị vững vàng…
Công tác đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị - hành chính trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được những kết quả nhất định. Hoạt động giảng dạy ngày càng đi vào chiều sâu; hằng năm, công tác giảng dạy, bồi dưỡng lý luận chính trị - hành chính cho đội ngũ cán bộ đảng viên của tỉnh đều đạt, vượt kế hoạch đề ra và đã từng bước chuẩn hóa trình độ lý luận chính trị - hành chính đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của tỉnh; hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ đảng viên ngày càng cao; việc tham gia bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị - hành chính đang trở thành nhu cầu tự thân của đội ngũ cán bộ đảng viên trong tỉnh…
Đối với công tác của Trường, đa số giảng viên đều nhận thức và ứng dụng khá tốt trang thiết bị hiện đại và phương pháp dạy học tích cực trong từng buổi giảng góp phần tạo không khí sôi nổi, thu hút sự tập trung chú ý của học viên; các bộ phận, các phòng, khoa đã phối hợp tốt với Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học trong kiểm tra việc chấp hành nội quy, quy chế lớp học của học viên; việc đánh giá chất lượng học tập của học viên cũng được Ban Giám hiệu nhà trường và các bộ phận khác thực hiện nghiêm túc trên tinh thần học viên nào học tập đạt yêu cầu thì được cấp giấy chứng nhận, học viên vi phạm nội quy, quy chế hoặc không đạt yêu cầu thì phải học lại, không vu vi cho qua…
Bên cạnh những kết quả đạt được thì thời gian qua, công tác giảng dạy lý luận chính trị - hành chính của Trường cũng còn những hạn chế, tồn tại. Vẫn còn một số giảng viên mới chỉ chú ý cung cấp kiến thức cơ bản cho người học chứ chưa có những gợi mở và rèn luyện khả năng thực hành tư duy lý luận; một vài giảng viên còn chậm trong việc đổi mới phương pháp, ít đầu tư khai thác tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong giảng dạy nên vẫn còn tình trạng “đọc - chép”, có giảng viên lại có biểu hiện lạm dụng công nghệ thông tin, ít quan tâm đến tính tư tưởng, tính khoa học và tính cách mạng trong từng buổi giảng nên sa đà vào tình trạng “chiếu - chép” một cách nhàm chán; tinh thần, thái độ học tập, nghiên cứu của một bộ phận học viên chưa đúng đắn, nghiêm túc, có biểu hiện cho rằng chỉ cần nắm vững chuyên môn nghiệp vụ là có thể làm tốt công việc của mình còn học lý luận chính trị - hành chính là để đáp ứng đủ tiêu chuẩn về bằng cấp; một số học viên xuất hiện tư tưởng đi đến lớp là để điểm danh có mặt, đủ điều kiện dự thi mà chưa thật tâm chú ý lắng nghe, nghiên cứu nội dung bài giảng, vì vậy, kết quả một số bài thi chưa đạt yêu cầu...
Do đó, để nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị - hành chính, trước hết là chất lượng giảng dạy phần học “Những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin”, theo tôi, cần nghiên cứu và vận dụng một số kinh nghiệm sau đây:
Thứ nhất, phải nắm vững và giải quyết đúng đắn mối quan hệ của 3 chủ thể trong quá trình giảng dạy lý luận chính trị - hành chính đó là nhà trường - giảng viên - học viên
Nhà trường phải thực hiện tốt công tác quản lý, tạo được môi trường nghiên cứu thuận lợi để kịp thời nắm bắt, chấn chỉnh và uốn nắn kịp thời những biểu hiện, hành vi chưa đúng đắn trong quá trình giảng dạy, học tập. Giảng viên phải tự rèn luyện, tự học tập để có được kiến thức rộng, am hiểu chuyên môn mình phụ trách và nắm vững kiến thức liên ngành, đồng thời, phải rèn luyện để nâng cao khả năng nhạy bén về thời sự chính trị, sâu sắc về kinh tế - xã hội, hiểu biết khoa học - công nghệ và biết cách đặt vấn đề, gợi mở vấn đề để kích thích năng lực tư duy của học viên trong nghiên cứu, học tập. Chủ thể thứ 3 chính là học viên. Học viên là trung tâm của quá trình giảng dạy, học tập, là người tiếp nhận tri thức và là sản phẩm của quá trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức lý luận chính trị - hành chính. Vì vậy, học viên phải xác định đúng đắn tinh thần, thái độ, phương pháp và mục đích nghiên cứu, học tập, đồng thời phải chủ động tương tác với giảng viên để thể hiện nhu cầu nghiên cứu kiến thức, trên cơ sở đó, giảng viên có sự định hướng nghiên cứu, cung cấp phương pháp nghiên cứu, thậm chí trực tiếp cung cấp kiến thức kịp thời, đáp ứng nhu cầu của học viên.
Thứ hai, giảng viên cần tích cực nghiên cứu, nắm vững đối tượng, xác định phương pháp giảng dạy phù hợp ngay trong từng bài giảng, từng nhóm nội dung trong phần học
Nắm vững đối tượng và yêu cầu của đối tượng về mọi mặt nhằm lựa chọn phương pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình giảng dạy. Từng nhóm kiến thức trong phần học có đối tượng nghiên cứu riêng. Vì vậy, để giúp học viên dễ dàng trong nghiên cứu và tiếp thu kiến thức phần học, giảng viên phải thể hiện rõ khả năng nắng vững đối tượng nghiên cứu của từng nhóm kiến thức để giúp học viên hiểu biết kiến thức của từng bài học tốt hơn.
Ví dụ: Đối tượng nghiên cứu của nhóm bài giảng Triết học Mác - Lênin là giải quyết vấn đề mối quan hệ giữa tư duy và tồn tại trên lập trường duy vật; nghiên cứu những quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy từ đó định hướng cho hoạt động nhận thức, hoạt động thực tiễn của con người. Kinh tế chính trị học Mác - Lênin, theo nghĩa rộng nhất, là khoa học nghiên cứu về những quy luật đặc thù của từng giai đoạn phát triển của sản xuất và của trao đổi nhằm chỉ ra bản chất của các quá trình kinh tế, phát hiện ra các phạm trù, quy luật kinh tế ở những giai đoạn phát triển nhất định của xã hội loài người. Chủ nghĩa xã hội khoa học nghiên cứu những quy luật và tính quy luật chính trị - xã hội của quá trình phát sinh, hình thành và phát triển hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa; những nguyên tắc cơ bản, những điều kiện, con đường, hình thức và phương pháp đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân để thực hiện sự chuyển biến từ chủ nghĩa tư bản (và các chế độ xã hội tiền tư bản) lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Trên cơ sở nắm vững đối tượng của từng nhóm kiến thức trong phần học, giảng viên quyết định sử dụng phương pháp giảng dạy, trang bị tri thức cho học viên một cách phù hợp.
Thứ ba, giảng viên cần nắm vững và vận dụng thành thạo các nhóm kiến thức và các phương tiện giảng dạy hiện đại để nâng cao sức hấp dẫn trong từng buổi giảng và bài giảng của phần học
Kinh nghiệm thực tiễn khi giảng dạy và hướng dẫn thảo luận các lớp cho thấy, nhận thức của một số học viên đối với phần học này còn tương đối rời rạc, chưa mang tính hệ thống, chưa thấy được 3 bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác - Lênin là 3 bộ phận độc lập nhưng chúng có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau. Vì vậy, giảng viên giảng dạy từng bài ở từng bộ phận kiến thức phải hệ thống kiến thức bài mình với những bài khác ở các bộ phận kiến thức khác để giải đáp những vấn đề phát sinh trong quá trình giảng dạy.
Ví dụ: Khi giảng đến bài “Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội”, nếu có học viên đặt vấn đề “nghiên cứu đặc trưng bản chất của xã hội xã hội chủ nghĩa - giai đoạn đầu của hình thái kinh tế xã hội cộng sản chủ nghĩa thì thấy chủ nghĩa cộng sản là một chế độ xã hội rất tốt đẹp nhưng tại sao chỉ có một vài nước trên thế giới đi theo?”. Để giải thích rõ vấn đề này cho học viên hiểu, giảng viên phải biết kết hợp vận dụng kiến thức triết học Mác - Lênin với chủ nghĩa xã hội khoa học, cụ thể là phải dùng “Nguyên lý về sự phát triển” để khẳng định con đường phát triển của mọi sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan là con đường “Xoáy ốc”. Cho nên, trong quá trình phát triển của sự vật hiện tượng, có những thời điểm, giai đoạn sự vật hiện tượng dường như là thụt lùi, đi xuống. Nhưng theo nguyên lý về sự phát triển thì, cuối cùng sự vật mới cũng sẽ chiến thắng, ra đời thay thế sự vật cũ. Còn bên bộ phận kiến thức chủ nghĩa xã hội khoa học, nói về điều này, V.I.Lênin đã khẳng định: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi lên chủ nghĩa xã hội, đó là điều không thể tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau;…”(1)
Nắm vững và sử dụng thành thạo các phương tiện, trang thiết bị hiện đại trong giảng dạy lý luận chính trị - hành chính cũng một phần nâng cao chất lượng bài giảng. Theo quy định, hiện nay giảng viên giảng dạy bằng giáo án điện tử. Do đó, giảng viên phải sử dụng thành thạo các phần mềm hỗ trợ cho giảng dạy thông qua việc đầu tư, sưu tầm những hình ảnh minh họa phù hợp. Trong từng slide, từng trang, mục, phần,… giảng viên sử dụng màu sắc hài hòa, fond chữ rõ, sáng, trình bày hợp lý. Nội dung bài giảng được hiệu ứng hài hòa, hợp lý sẽ lôi cuốn học viên tập trung chú ý theo dõi và quá trình tiếp thu bài giảng sẽ tốt hơn. Giảng viên hướng dẫn việc học tập trên lớp nhẹ nhàng, học viên hoạt động tích cực, sôi nổi đóng góp xây dựng bài và tiếp thu nhiều kiến thức bổ ích để vận dụng vào thực tiễn công tác của mình là mục đích cuối cùng của giảng dạy lý luận chính trị - hành chính.
Thứ tư, thực hiện tốt các bước lên lớp và bao quát lớp học là một trong những kinh nghiệm mang lại một buổi giảng đạt chất lượng cao
Giáo án soạn giảng phải đúng theo quy định giáo án mẫu của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh bao gồm 5 bước cơ bản. Đây là khâu quan trọng và quyết định cho sự thành bại của bài giảng sau này. Tất cả những nội dung cơ bản, những phương pháp và phương tiện hỗ trợ tích cực, hiện đại được xếp theo thứ tự nhất định. Mọi ý đồ, kế hoạch nhằm đạt được mục đích, yêu cầu của bài giảng đã xác định đều phải được chuẩn bị một cách công phu, có hệ thống. Phải bao quát lớp trong quá trình lên lớp nhằm phát hiện và giải quyết kịp thời các biểu hiện không phù hợp của học viên. Qua từng nội dung, từng phần học, giảng viên cần sử dụng vốn từ một cách linh hoạt để chuyển ý lôgích, dẫn dắt người học cuốn theo trình tự trình bày của mình. Ngoài ra, giảng viên cần chuẩn bị câu hỏi cho học viên nhằm thực hiện hệ thống các phương pháp dạy học tích cực./.
(1) V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb, Tiến bộ, M.1981, t.30, tr.160