Khai giảng Lớp Bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương khóa 01/2023 Khoa Lý luận cơ sở đi nghiên cứu thực tế tại xã Vĩnh Trạch Đông Phấn đấu xây dựng Trường Chính trị Châu Văn Đặng đạt chuẩn mức 1 Sáng ngày 20 tháng 02 năm 2023, Trường Chính trị Châu Văn Đặng tổ chức Lễ khai giảng Lớp Bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy quản lý (đối tượng 4) tỉnh Bạc Liêu năm 2022 - Lớp thứ bảy ngày 13 tháng 02 năm 2023, Trường Chính trị Châu Văn Đặng tổ chức Lễ khai giảng Lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy quản lý (đối tượng 4) tỉnh Bạc Liêu năm 2022 - Lớp thứ sáu Giá trị lịch sử và sự trường tồn của các kỳ Đại hội Đảng Giá trị lịch sử và sự trường tồn của các kỳ Đại hội Đảng Trường Chính trị Châu Văn Đặng: Tiên phong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Sáng ngày 06 tháng 02 năm 2023, Trường Chính trị Châu Văn Đặng tổ chức Lễ khai giảng Lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy quản lý (đối tượng 4) tỉnh Bạc Liêu năm 2022 - Lớp thứ năm Bản yêu sách tám điểm gửi Hội nghị Quốc tế hòa bình Versailes. Bút hiệu Nguyễn Ái Quốc ra đời.
Liên kết web
Thăm dò
Thống kê truy cập

null Khai thác và sử dụng một số kiến thức kinh điển về lý luận kinh tế chính trị trong Bộ “Tư bản” - Quyển I của C.Mác

Tin tức|Tin tức sự kiện|Tin tổng hợp
Thứ năm, 14/04/2022, 06:47
Màu chữ Cỡ chữ
Khai thác và sử dụng một số kiến thức kinh điển về lý luận kinh tế chính trị trong Bộ “Tư bản” - Quyển I của C.Mác

Bộ “Tư bản” được C.Mác dành phần lớn thời gian trong cuộc đời để nghiên cứu và soạn thảo (khoảng 40 năm). Đây là tác phẩm nghiên cứu về kinh tế chính trị và được trình bày thành 3 quyển, nhưng C.Mác chỉ hoàn thành và cho xuất bản Quyển I vào năm 1867. Những bản thảo còn lại của Bộ “Tư bản” được Ph.Ăngghen sử dụng để xuất bản Quyển II năm 1885 và Quyển III năm 1894 (sau khi C.Mác mất).

Từ khi được xuất bản cho đến nay, tác phẩm này vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn đối với sự phát triển nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Ý nghĩa của tác phẩm này có thể được khẳng định khái quát như: chỉ rõ tính chất hai mặt của nền sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa; giải thích rõ nguồn gốc thực sự của giá trị thặng dư, của tư bản; quá trình tăng năng suất lao động, tăng thu nhập quốc dân và tăng tích luỹ cho tái sản xuất xã hội;…

Bộ “Tư bản” - Quyển I được C.Mác kết cấu thành 7 phần với 25 chương. Trong đó, C.Mác đã trình bày nhiều vấn đề của nền sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa như: Hàng hoá và tiền; sự chuyển hoá của tiền thành tư bản; sự sản xuất ra giá trị thặng dư tuyệt đối; sự sản xuất ra giá trị thặng dư tương đối; sự sản xuất ra giá trị thặng dư tuyệt đối và giá trị thặng dư tương đối; tiền công; quá trình tích luỹ tư bản;…

Tác phẩm đã phản ánh rõ nét, chân thực bản chất của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Điều này thể hiện ở chỗ: tác phẩm đã chỉ rõ sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa tư bản, sự tiến bộ của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa so với các chế độ xã hội trước đó và sự phát triển vượt bậc của lực lượng sản xuất trong xã hội tư bản dưới tác động của cách mạng công nghiệp. Tuy nhiên, tác phẩm cũng vạch rõ những hạn chế trong xã hội tư bản như: Sự đối lập giữa tình cảnh bần cùng của giai cấp vô sản và sự giàu có của giai cấp tư sản; mâu thuẫn gay gắt giữa lực lượng sản xuất, đã đạt trình độ xã hội hoá, với quan hệ sản xuất, dựa trên chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất chủ yếu;…

Do vậy, để giúp học viên hiểu rõ thực chất của nền sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa thì điều cần thiết đối với giảng viên (khi nghiên cứu và giảng dạy về vấn đề này), là phải hiểu rõ kiến thức kinh điển về lý luận kinh tế chính trị trong Bộ “Tư bản” - Quyển I để vận dụng một cách phù hợp, hiệu quả. Có thể tập trung khai thác và sử dụng một số vấn đề sau:

Trong những nội dung chủ yếu của Bộ “Tư bản” - Quyển I, C.Mác tập trung nghiên cứu, mổ xẻ các quan hệ kinh tế trong lòng xã hội tư bản chủ nghĩa; nghiên cứu về các quy luật của nền sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa, được thể hiện cụ thể qua những nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất: Hàng hóa, sản xuất hàng hóa và quá trình trao đổi hàng hóa

Theo C.Mác, sở dĩ phải bắt đầu từ việc phân tích hàng hoá khi nghiên cứu về nền sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa là vì: “Trong những xã hội do phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa chi phối, thì của cải biểu hiện ra là một “đống hàng hoá khổng lồ”, còn từng hàng hoá một thì biểu hiện ra là hình thái nguyên tố của của cải ấy”.(1)

Từ việc phân tích về hàng hoá, C.Mác đã trình bày những vấn đề liên quan như: Hai thuộc tính của hàng hoá; tính chất hai mặt của lao động biểu hiện trong hàng hoá; hình thái của giá trị hay giá trị trao đổi; quá trình trao đổi hàng hoá;… Tiếp đó, C.Mác khẳng định: “các hàng hoá phải được thực hiện với tư cách là những giá trị trước khi chúng có thể được thực hiện với tư cách là những giá trị sử dụng”.(2) Chính quá trình trao đổi hàng hoá đã tách riêng một hàng hoá đặc biệt ra để biểu thị cho tất cả các loại hàng hoá khác. “Hàng hoá này trở thành tiền”.(3)

Thứ hai: Tập trung phân tích quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa tư bản mà cốt lõi là quy luật sản xuất giá trị thặng dư

Để phân tích và chỉ ra quy luật sản xuất giá trị thặng dư, C.Mác đã phân tích về sự chuyển hoá từ tiền thành tư bản; chỉ ra mâu thuẫn trong công thức chung của tư bản; chỉ ra một loại hàng hoá đặc biệt, mà khi nhà tư bản đưa nó vào quá trình sản xuất, nó sinh ra một giá trị lớn hơn giá trị của chính bản thân nó - hàng hoá sức lao động, “thứ hàng hoá mà bản thân giá trị sử dụng của nó có cái đặc tính độc đáo là một nguồn sinh ra giá trị, - một thứ hàng hoá mà khi tiêu dùng nó thật sự thì vật hoá được lao động, và do đó sẽ tạo ra được giá trị”;(4)...

Trên cơ sở phân tích về hàng hoá sức lao động, C.Mác đã chỉ ra quá trình sản xuất giá trị thặng dư trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Trước hết, C.Mác phân tích về quá trình lao động và quá trình làm tăng giá trị. Tiếp theo đó, chỉ ra những tiêu chí xác định tư bản bất biến và tư bản khả biến. Cuối cùng, C.Mác chỉ ra bản chất cốt lõi của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa chính là quá trình sản xuất giá trị thăng dư bằng hai phương pháp: sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối - là quá trình kéo dài ngày lao động ra quá giới hạn mà trong đó người lao động làm thuê sản xuất ra một vật có giá trị lớn hơn so với giá trị sức lao động của họ và nhà tư bản chiếm hữu phần giá trị dôi ra đó; sản xuất giá trị thặng dư tương đối - là quá trình tạo ra giá trị thặng dư tương đối do rút ngắn thời gian lao động cần thiết và do sự thay đổi tương ứng trong tỷ lệ các đại lượng của hai bộ phận cấu thành ngày lao động.

Thứ ba: Phân tích và làm rõ quá trình tích luỹ tư bản

Để phân tích, làm rõ quá trình tích luỹ tư bản, C.Mác chỉ ra điều kiện: “nhà tư bản phải bán được hàng hoá của mình và lại chuyển hoá phần lớn số tiền nhận được đó thành tư bản”.(5) Muốn làm được điều đó, nhà tư bản phải thực hiện tái sản xuất xã hội, hình thức trước hết chính là: tái sản xuất giản đơn. Sau đó, C.Mác phân tích và làm rõ một số nội dung mang tính bản chất của quá trình tích luỹ tư bản trong sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa như: sự chuyển hoá giá trị thặng dư thành tư bản; quy luật phổ biến của tích luỹ tư bản chủ nghĩa; cái gọi là tích luỹ ban đầu;… Trên cơ sở đó, C.Mác khẳng định bản chất của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa chính là quá trình tách rời người lao động khỏi quyền sở hữu điều kiện lao động của họ, biến họ thành những người công nhân làm thuê.“Do đó, cái gọi là tích luỹ ban đầu chẳng qua chỉ là một quá trình lịch sử tách rời người sản xuất ra khỏi tư liệu sản xuất”.(6)

Có thể nói, với sự uyên bác của mình, C.Mác đã bóc trần bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản thông qua Bộ “Tư bản” - Quyển I để giai cấp vô sản nhận rõ. Từ đó, giai cấp vô sản xác định đúng đắn phương hướng, cách thức phù hợp để đẩy mạnh phong trào đấu tranh chống bóc lột của chủ nghĩa tư bản. Khi giai cấp vô sản tiến hành đấu tranh trên cơ sở lý luận của C.Mác, giai cấp vô sản đã từng bước giành được những thắng lợi, buộc giai cấp tư sản phải từng bước nhượng bộ và điều chỉnh phương pháp bóc lột.

Trong giai đoạn hiện nay, các nước tư bản chủ nghĩa phát triển đang thực hiện những điều chỉnh, thích nghi như: cho người lao động mua cổ phiếu, cổ phần; để người lao động tham gia nhiều hơn vào quá trình tổ chức, điều hành sản xuất; quan tâm nhiều hơn đến đời sống của người lao động; tích cực thực hiện an sinh xã hội;… Cho nên, việc nhận rõ bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản trong thực tiễn có những khó khăn nhất định. Do đó, khi giảng dạy về vấn đề này, việc nghiên cứu Bộ “Tư bản” - Quyển I sẽ giúp giảng viên có đủ những luận cứ khoa học để phân tích và giúp người học nhận thức đúng đắn hơn!

Tóm lại, khai thác và sử dụng kiến thức lý luận trong tác phẩm kinh điển có vai trò đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong việc tạo nên sự thành công của bài giảng lý luận chính trị. Nếu giảng viên lựa chọn đúng đắn những kiến thức kinh điển để kết hợp với việc sử dụng khéo léo các phương pháp giảng dạy và vốn ngôn từ phong phú sẽ giúp làm “mềm hóa” quá trình giảng dạy lý luận chính trị; giúp việc giảng dạy lý luận chính trị đạt hiệu quả cao hơn./.  

………………..

(1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2002, tập 23, tr.61

(2), (3), (4), (5), (6) C.Mác và Ph.Ăngghen: Đã dẫn ở trên, tr.134, tr.136, tr.250-251, tr.796, tr.997

Số lượt xem: 606

ThS Đặng Văn Mỹ - Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

Tin đã đưa
Dịch vụ công Quốc gia Hệ thống văn bản của tỉnh CSDL hộ kinh doanh Thư điện tử công vụ Một cửa điện tử
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ CHÂU VĂN ĐẶNG TỈNH BẠC LIÊU
Địa chỉ: Số 7, Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 0781. 3823965 Fax: 0781. 3829654