Giảng viên trẻ Trường Chính trị Châu Văn Đặng tỉnh Bạc Liêu học tập phong cách tư duy của Bác
Phong cách tư duy của Hồ Chí Minh là yếu tố quan trọng tạo nên tư tưởng của Người. Nghiên cứu, học tập phong cách tư duy của Bác là việc làm vô cùng cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã đề ra các nội dung thiết thực để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quán triệt và thực hiện. Trong đó, Chỉ thị chỉ rõ phong cách tư duy của Bác là “phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn”.
Phong cách tư duy độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là không lệ thuộc, không phụ thuộc, không bắt chước, không theo đuôi. Hồ Chí Minh đã không ngừng làm giàu trí tuệ của mình bằng vốn văn hóa – tư tưởng của nhân loại thông qua việc tìm hiểu, tiếp thu những yếu tố dân chủ, tiến bộ, nhân văn của các học thuyết khác trên nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư duy khoa học, cách mạng.
Phong cách tư duy tự chủ là tự mình làm chủ suy nghĩ của mình, làm chủ bản thân và công việc của mình, tự mình thấy trách nhiệm trước dân.
Phong cách tư duy sáng tạo là sẵn sàng từ bỏ những cái cũ xấu xa, lạc hậu, lỗi thời; những cái cũ đã đúng một thời nhưng nay không còn phù hợp. Tìm tòi cái mới phù hợp với quy luật khách quan, trả lời được những câu hỏi của thực tiễn đặt ra. Cái mới đó không hoàn toàn phủ định những giá trị của cái cũ, vượt lên cái cũ, bổ sung thêm những giá trị mới.
Phong cách tư duy luôn gắn chặt lý luận và thực tiễn, Người khẳng định: “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”(1). Sự gắn bó giữa lý luận với thực tiễn là điểm nổi bật của phong cách tư duy Hồ Chí Minh và đã được thể hiện rõ nét trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của Người. Qua thực tiễn để tổng kết rút kinh nghiệm vươn tới nắm bắt những tri thức mới và gạt bỏ những nhận thức sai lầm. Không tổng kết, rút kinh nghiệm thực tiễn sẽ làm cho nhận thức dẫm chân tại chỗ và không tiếp nhận được những chân lý khách quan của cuộc sống.
Nhận thấy trách nhiệm người giảng viên trường Đảng với công việc đặc thù là giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh nhà, các giảng viên trẻ luôn học tập phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, gắn lý luận với thực tiễn của Bác trong quá trình công tác. Cụ thể:
Đội ngũ giảng viên trẻ của trường luôn nêu cao tinh thần tự học, tự rèn luyện, tự nghiên cứu thực tế, học hỏi bạn bè, đồng nghiệp, học viên để tích lũy thêm vốn kiến thức thực tiễn phục vụ tốt cho công tác giảng dạy của bản thân, góp phần nâng cao chất lượng bài giảng.
Luôn chủ động cập nhật các văn bản mới, các sự kiện mang tính thời sự vào bài giảng, gắn lý luận với thực tiễn, luôn đào sâu suy nghĩ để tìm kiếm những phương pháp phù hợp cho từng bài giảng, từng loại hình lớp và từng đối tượng học viên.
Các giảng viên trẻ luôn nhận thức được trách nhiệm của bản thân đối với công việc của mình. Tích cực, chủ động soạn các bài giảng khi được phân công, không trong chờ, ỷ lại, không phụ thuộc vào người khác. Qua mỗi bài giảng, mỗi tiết giảng tự rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế, phát huy các ưu điểm để bài giảng ngày càng hoàn thiện nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu công việc.
Thường xuyên tham gia dự giờ để học hỏi phong cách đứng lớp của đồng nghiệp, trau dồi các kỹ năng cần thiết phục vụ hoạt động giảng dạy trên cơ sở kế thừa và sáng tạo, không rập khuôn, máy móc, thể hiện được phong cách riêng của mỗi giảng viên trẻ.
Tích cực thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, các giảng viên trẻ luôn có sự đầu tư nghiêm túc, có trách nhiệm với hoạt động này. Nghiên cứu khoa học giúp củng cố, nâng cao vốn kiến thức về lý luận cũng như thực tiễn, góp phần hình thành và phát triển kỹ năng tư duy độc lập, sáng tạo, kỹ năng thuyết trình cho giảng viên.
Trong sinh hoạt chi bộ, các đảng viên là giảng viên trẻ thể hiện tinh thần mạnh dạn trong việc bày tỏ chính kiến của bản thân. Thẳng thắn trong công tác phê bình và tự phê bình trên tinh thần xây dựng, giúp nhau cùng tiến bộ.
Phong cách tư duy có vai trò rất quan trọng, đó là cơ sở để hình thành nên phong cách sinh hoạt, phong cách làm việc và các phong cách khác. Chính vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mỗi giảng viên trẻ cần ra sức rèn luyện, tích cực học tập phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, gắn kết giữa lý luận và thực tiễn của Bác. Rèn luyện theo tư duy đó sẽ giúp nâng cao bản lĩnh chính trị, giúp cho các giảng viên trẻ có bản sắc và chính kiến đúng đắn, góp phần vào việc xây dựng đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Châu Văn Đặng có trình độ chuyên môn, có phẩm chất, đạo đức, lối sống trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao./.
------------
(1)Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.95