Giảng viên Trường Chính trị Châu Văn Đặng Bạc Liêu với việc nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị
1. Tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị cho đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Châu Văn Đặng
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị có vai trò quan trong đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, là một trong những nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Nhưng để thực hiện tốt công tác này, một trong những giải pháp cần thiết là phải nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị cho đội ngũ giảng viên, trong đó có đội ngũ giảng viên của Trường Chính trị Châu Văn Đặng Bạc Liêu hiện nay.
Đội ngũ giảng viên có vai trò quan trọng, là lực lượng nòng cốt, chủ đạo trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Giảng viên vừa là nhà khoa học về tư tưởng, lý luận, nhưng đồng thời cũng là đội ngũ trực tiếp nghiên cứu khoa học, giảng dạy, truyền đạt, làm rõ lý luận của Đảng để bảo vệ, bổ sung, phát triển các quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; là những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, có khả năng nhạy bén chính trị cao, sắc sảo trong lập luận, phân tích khoa học đối với các hiện tượng chính trị - xã hội mới xuất hiện trong đời sống thực tiễn của địa phương.
Do đó, nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị của đội ngũ giảng viên sẽ góp phần thực hiện tốt công tác giáo dục lý luận chính trị, làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hình thành được thế giới quan và phương pháp khoa học, có được nền tảng tư tưởng lý luận vững chắc, có niềm tin, lý tưởng và “chất đề kháng” cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch và có kiến thức khoa học để vận dụng một cách khoa học, hiệu quả trong công tác, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới là nhiệm vụ rất quan nhà Trường hiện nay.
2. Thực trạng việc nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Châu Văn Đặng trong thời gian qua
Với vai trò là đơn vị thực hiện nhiêm vụ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; là đơn vị gìn giữ, xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng, phát huy những giá trị trường tồn của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giáo dục, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Những năm qua, Ban Giám hiệu Trường Chính trị Châu Văn Đặng Bạc Liêu đã thường xuyên lãnh đạo đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Trong thời gian qua, Ban Giám hiệu Trường đã thường xuyên quán triệt, lãnh đạo và chỉ đạo việc cần thiết phải nâng cao chất lượng giảng dạy. Do đó, nhà Trường đã thường xuyên kiểm tra việc thực hiện chương trình đào tạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội quy, quy chế, nhất là việc thực hiện giảng dạy của đội ngũ giảng viên thông qua chất lượng soạn giảng, phương pháp, kinh nghiệm giảng dạy của đội ngũ giảng viên. Thường xuyên chỉ đạo các khoa chuyên môn tổ chức dự giờ, thao giảng, góp ý rút kinh nghiệm và cử giảng viên tham dự các lớp tập huấn, cập nhật kiến thức, bồi dưỡng phương pháp giảng dạy, nhất là các phương pháp giảng dạy tích cực. Qua đó đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và trách nhiệm của giảng viên trong việc tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị của nhà Trường.
Đến nay 100% giáo án, bài giảng, bài giảng điện tử của giảng viên đều được đánh giá, góp ý và thường xuyên được cập nhật, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn giảng dạy. Đội ngũ giảng viên thường xuyên nghiên cứu, rèn luyện năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đa dạng hóa các phương pháp giảng dạy, nhất là đã đẩy mạnh chuyển đổi từ phương pháp giảng dạy thuyết trình truyền thống sang các phương pháp giảng dạy tích cực đem lại hiệu quả cao như: phương pháp dạy và học bằng sơ đồ hóa nội dung có kết hợp phương tiện trực quan, phương pháp thảo luận nhóm, phương pháp chuyên gia hay phương pháp nêu vấn đề...
Với những phương pháp này đội ngũ giảng viên nhà Trường đã không ngừng tiến hành thực hiện các phương pháp giảng dạy tích cực có gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, trên cơ sở khai thác triệt để ưu điểm của các phương pháp truyền thống và vận dụng linh hoạt một số phương pháp mới đã phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên, thực hiện được phương châm “lấy người học làm trung tâm”, “lý luận gắn với thực tiễn” trong học tập, nghiên cứu. Trong quá trình học tập, thảo luận giảng viên và học viên đã có sự hợp tác, trao đổi tích cực, phát huy được tính dân chủ trong nghiên lý luận chính trị đúng như Quy định số 285-QĐ/TW, ngày 25/4/2015 của Bộ Chính trị khóa XI về“dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan đảng, nhà nước”. Vì vậy các ý kiến phát biểu trao đổi, thảo luận, các bài kiểm tra, bài thi hay các bài khóa luận của học viên luôn thể hiện được nội dung nhận thức về lý luận và khả năng vận dụng vào thực tiễn tại cơ sở, địa phương của học viên trong công tác.
Tuy nhiên, việc đổi mới nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị của đội ngũ giảng viên nhà Trường trong thời gian qua cũng còn một số hạn chế, khó khăn nhất định như:
Chương trình đào tạo, bồi dưỡng có sự thay đổi thường xuyên nên có đôi lúc còn chậm trong việc cập nhật, điều chỉnh bài giảng mới. Một số giảng viên còn hạn chế về công nghệ thông tin nên trong thiết kế nội dung bài giảng còn có những slide trình chiếu chưa thể hiện được tính khái quát, tính hệ thống để học viên dễ nhớ, dễ vận dụng, nhất là các quy trình, kỹ năng cần vận dụng.
Một số bài giảng của giảng viên khi soạn giảng còn nặng tính lý luận, chưa gắn được nhiều tính thực tiễn để giải quyết được các tình huống công tác, nhất là những thông tin lý luận và thực tiễn về công tác đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở địa phương chưa được thể hiện nhiều trong mỗi bài giảng.
Đội ngũ giảng viên nắm vững rất tốt các phương pháp giảng dạy, giảng viên luôn cập nhật kiến thức, thực tiễn chuyên sâu nhưng do thời gian có hạn và sự thiếu chủ động của một số học viên đã làm cho một số tiết giảng theo kiểu thuyết trình suông, dạy và học hình thức..
Đội ngũ học viên tham gia học tập ở nhà Trường tất cả đều là cán bộ, đảng viên đang công tác tại các đơn vị nên có lúc chưa có thời gian tập trung vào học tập, chưa giành nhiều thời gian nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, có một số học viên có tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị… điều này cũng đã ảnh hưởng chung đến chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên nhà Trường trong thời gian qua.
3. Giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Châu Văn Đặng trong giai đoạn hiện nay
Để tiếp tục nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Châu Văn Đặng hiện nay, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường trong đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị
Tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng uỷ và Ban Giám hiệu được thể hiện bằng những hành động cụ thể: phải là người khởi xướng, chỉ đạo, điều hành, phối hợp và tạo những điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đổi mới phương pháp giảng dạy trong nhà Trường. Phải tăng cường tổ chức, chỉ đạo đổi mới phương pháp giảng dạy, khuyến khích ứng dụng các phương tiện hiện đại vào công tác giảng dạy, nhất là các phương tiện trực quan hiện đại; tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, sinh hoạt chuyên môn giữa các khoa, tăng cường dự giờ, góp ý nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong giảng dạy. Bên cạnh đó, tăng cường sự lãnh đạo và chỉ đạo cần phải chăm lo xây dựng, đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng tốt về chất lượng, phải coi đây là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt để có kế hoạch xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên cho hợp lý.
Hai là, đội ngũ giảng viên Trường tiếp tục tăng cường đổi mới phương pháp dạy học tích cực trên cơ sở đổi mới phương pháp dạy học truyền thống
Đây là giải pháp rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy lý luận chính trị của đội ngũ giảng viên Trường Chính trị Châu Văn Đặng hiện nay, bởi vì với chức năng, nhiệm vụ của nhà Trường nên học viên của các lớp được đào tạo, bồi dưỡng trong nhà Trường tất cả đều là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, là cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị; là những người am hiểu và có vốn thực tiễn phong phú nên việc đa dạng các hình thức, phương pháp, phương tiện giảng dạy, nhất là các phương pháp giảng dạy tích cực như phương pháp nêu vấn đề, phương pháp chuyên gia, phương pháp thảo luận nhóm… làm cho lý luận gắn với thực tiễn, thực hiện tốt 4 phương châm: khoa học, sáng tạo, hiện đại và gắn lý luận với thực tiễn của Đảng trong công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận chính trị hiện nay.
Với phương pháp nêu vấn đề: đối với phương pháp này đòi hỏi giảng viên khi giảng dạy phải giải quyết nội dung theo hướng gắn với tính tình huống cụ thể, có tính thời sự, thiết thực, phù hợp với nội dung và gắn thực tiễn công tác nhằm nâng cao năng lực vận dụng lý luận vào giải quyết tình huống thực tiễn của học viên, nhất là các tình huống thực tiễn ở cơ sở và các nội dung gắn với thực tiễn về công tác đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở địa phương.
Đối với phương pháp dạy và học bằng sơ đồ hóa nội dung: giảng viên khi thiết kế bài giảng cần xây dựng nội dung bài giảng theo vấn đề cụ thể gắn với các sơ đồ phù hợp nội dung như sơ đồ cấu trúc, sơ đồ nhánh, sơ đồ hình cây, sơ đồ hệ thống... Thực hiện phương pháp này cần triệt để áp dụng các phương tiện trực quan và phương tiện hiện đại khác vào giảng dạy.
Đối với phương pháp chuyên gia: phương pháp này học viên được mở rộng hoặc cung cấp kiến thức về một lĩnh vực cụ thể nào đó một cách chuyên sâu (hay còn gọi là chuyên gia), giúp cho học viên hiểu sâu về một lĩnh vực nào đó một cách sâu sắc, đầy đủ thông qua sự tham vấn của chuyên gia (chuyên gia có thể là giảng viên, học viên có kiến thức thực tiễn hoặc chuyên gia được mời từ bên ngoài có vốn lý luận và thực tiễn cao). Vì vậy trong giảng dạy lý luận chính trị giảng viên cần khai thác, vận dụng tốt phương pháp này.
Ba là, tiếp tục nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị
Trước hết, đội ngũ giảng viên nhà Trường cần tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ. Lý luận phải luôn gắn với thực tiễn, đó là đặc trưng, là cơ sở khoa học để đạt được hiệu quả cao trong giảng dạy lý luận chính trị. Do đó việc thường xuyên trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ là rất cần thiết đối với mỗi giảng viên. Muốn vậy đòi hỏi mỗi giảng viên cần phải thường xuyên nghiên cứu tài liệu, cập nhật kiến thức mới, bổ sung, cập nhật thường xuyên vào bài giảng, nhất là cập nhật kịp thời các vấn đề thời sự, lý luận mới mà thực tiễn đặt ra. Đồng thời cần luôn rèn luyện, nâng cao kỹ năng sư phạm gắn với kỹ năng báo cáo viên, bởi vì người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị không chỉ phải chỉ truyền đạt, làm rõ kiến thức lý luận mà còn cần phải thuyết phục, cổ vũ, định hướng tư tưởng, nền tảng lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên bằng chính khả năng nói chuyện, thuyết giảng, báo cáo của chính giảng viên – báo cáo viên. Vì vậy giảng viên giảng dạy lý luận giỏi phải là một nhà nghiên cứu giỏi và là một nhà diễn thuyết có tài, có khả năng thuyết phục học viên hành động theo sự định hướng tư tưởng của mình./.