Giải pháp nhằm giải quyết tốt các tình huống trong quản lý hành chính nhà nước ở cấp cơ sở
Quản lý hành chính nhà nước là quá trình tổ chức, điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước, phương thức tác động mang tính chất quyền lực nhà nước của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước đối với các quá trình xã hội và hành vi hoạt động của công dân, do các cơ quan trong hệ thống hành pháp từ trung ương đến cơ sở tiến hành để thực hiện những chức năng và nhiệm vụ của Nhà nước. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước các cơ quan quản lý hành chính nhà nước nói chung, đặc biệt là Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp cơ sở gần dân nhất phải đối mặt với vô số tình huống quản lý trong các lĩnh vực khác nhau như lĩnh vực an ninh trật tự, lĩnh vực đất đai, môi trường, lao động, sản xuất, kinh doanh của người dân.v.v. các tình huống xảy ra đòi hỏi phải giải quyết nhanh chóng, kịp thời, chính xác, đúng đắn.
Giải quyết tình huống quản lý hành chính ở cấp cơ sở là một hoạt động rất quan trọng, yêu cầu phải được quan tâm thường xuyên trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Bởi cấp cơ sở là cấp cuối cùng trong hệ thống quản lý hành chính nhà nước, là nơi trực tiếp triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống, đến với các tầng lớp nhân dân. Trong thời gian qua, các cơ quan hành chính nhà nước cấp cơ sở giải quyết các tình huống quản lý hành chính nhà nước tương đối tốt, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra của tổ chức, cá nhân. Song bên cạnh đó vẫn còn nhiều vụ việc chưa được xử lý dứt điểm; tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp còn xảy ra làm giảm uy tín của chính quyền cơ sở.
Để giải quyết các tình huống quản lý hành chính ở cấp cơ sở được kịp thời, đúng đắn, đảm bảo chính quyền thực sự của dân, do dân, vì dân, góp phần vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền cơ sở, cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau.
Một là, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã về tầm quan trọng của việc xử lý có hiệu quả các tình huống trong quản lý hành chính. Việc tiến hành giải quyết các tình huống liên quan trực tiếp đến việc đáp ứng các yêu cầu hợp pháp, chính đáng của cá nhân, tổ chức liên quan. Người đứng đầu cần quán triệt cho cán bộ, công chức cấp xã thấy được ý nghĩa của việc xử lý đúng đắn các tình huống xảy ra cũng như tác hại nếu giải quyết sai lệch các vụ việc. Vì vậy, đòi hỏi cán bộ, công chức cấp xã phải ý thức cao về trách nhiệm của mình trong việc tiếp nhận, tìm hiểu, giải quyết và xử lý các tình huống xảy ra theo phân cấp quản lý, theo từng lĩnh vực chuyên môn được phân công, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền hoặc thờ ơ với các yêu cầu, kiến nghị của tổ chức, cá nhân.
Hai là, hướng dẫn để cán bộ công chức cấp xã nắm chắc và thực hiện tốt quy trình xử lý tình huống. Bởi vì tình huống quản lý hành chính ở cơ sở hết sức đa dạng, tính chất khác nhau, đòi hỏi phải được nhận thức rõ và có biện pháp xử lý thích hợp, đúng pháp luật, thấu tình đạt lý. Cán bộ trực tiếp giải quyết phải nhìn nhận, phân loại đánh giá kỹ lưỡng từng tình huống để có biện pháp giải quyết đúng đắn, phù hợp, hiệu quả. Khi xem xét các tình huống quản lý hành chính cần nhận định rõ những căn cứ pháp lý và lĩnh vực quản lý, đánh giá mức độ, tính chất của tình huống xảy ra đơn giản hay phức tạp. Khi giải quyết tình huống quản lý hành chính ở cơ sở cần được tiến hành theo trình tự các bước sau:
Bước 1: Thu thập thông tin có liên quan và phân tích xử lý tình huống xảy ra.
Bước 2: Xác định cách thức tiến hành và biện pháp xử lý.
Bước 3: Tổ chức phối hợp thực hiện kịp thời các hoạt động cần thiết theo cách thức tiến hành và biện pháp xử lý đã được xác định.
Điểm quan trọng cần lưu ý vai trò của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã - người chủ trì, chịu trách nhiệm, đủ điều kiện thẩm quyền xử lý toàn bộ từ đầu đến cuối các tình huống xảy ra. Chủ tịch UBND cấp xã phải thật sự bình tĩnh, sáng suốt, bản lĩnh, kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật, dám chịu trách nhiệm về quyết định xử lý của mình.
Ba là, cần tăng cường tập huấn để cán bộ công chức cấp xã nắm vững và vận dụng thành thạo các kỹ năng xử lý tình huống bao gồm: kỹ năng nhận diện, phân loại tình huống, kỹ năng lập kế hoạch, triển khai xử lý tình huống, kỹ năng ổn định tình hình, khắc phục hậu quả của tình huống, kỹ năng đánh giá việc xử lý tình huống và kỹ năng theo dõi, dự báo và phòng ngừa tình huống. Việc nắm bắt và sử dụng thuần thục từng kỹ năng phụ thuộc vào trình độ, kinh nghiệm thực tiễn của cán bộ. Cần tập huấn về phương án xử lý các tình huống mẫu trên các lĩnh vực để rút kinh nghiệm, giúp cán bộ, công chức cấp xã học tập, áp dụng trong thực tiễn quản lý của mình.
Bốn là, nâng cao trình độ chính trị, kiến thức, nghiệp vụ quản lý hành chính nhà nước trên mọi lĩnh vực cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã để họ có thể xử lý tốt các tình huống quản lý hành chính ở cơ sở đảm bảo theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và những quy định của địa phương. Việc trang bị kiến thức về xử lý tình huống cho cán bộ cơ sở cần được thực hiện thường xuyên, đầy đủ qua các chương trình đào tạo, bồi dưỡng.
Tóm lại, trong quá trình thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước ở cơ sở, việc giải quyết tình huống quản lý hành chính cần đặc biệt xem trọng. Việc quan tâm phát hiện và giải quyết kịp thời, hợp tình, hợp lý các tình huống trong quản lý sẽ góp phần giữ vững sự ổn định, thúc đẩy sự phát triển của xã hội, nếu không xử lý tốt các tình huống sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín của đội ngũ cán bộ; hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý của bộ máy chính quyền cơ sở. Do đó cần quan tâm nâng cao trình độ, kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở để giải quyết tốt các tình huống trong thực tế đặt ra đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, góp phần tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của chính quyền cơ sở nhằm góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thật sự của dân, do dân, vì dân./.