Dạy – học trực tuyến trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của trường Chính trị Châu Văn Đặng – thuận lợi và khó khăn
Cách mạng công nghệ 4.0 đã có bước phát triển vượt bậc về khoa học công nghệ và tác động tới mọi mặt của đời sống xã hội. Trong xu thế đó, có việc đổi mới phương thức đào tạo trong thời kì công nghệ số cũng là xu hướng tất yếu. Trong quá trình dịch bệnh COVID -19 diễn biến phức tạp để bảo đảm vừa tổ chức phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị theo kế hoạch, thì việc dạy – học trực tuyến được xem là sự lựa chọn tối ưu của Trường Chính trị Châu Văn Đặng để thực hiện trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Dạy – học trực tuyến nghĩa là quá trình người giảng và người học có sự kết nối và tương tác nhau thông qua sự trợ giúp của internet, thiết bị kỹ thuật – công nghệ. Nội dung bài giảng, tài liệu được cập nhật (update) trên không gian mạng như: mạng máy tính (sử dụng các phần mềm giảng dạy trực tuyến), điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử thông minh khác. Để đảm bảo thực hiện tốt hình thức dạy – học trực tuyến này, Trường đã ban hành Quyết định số 239-QĐ/TCT, ngày 08 tháng 10 năm 2021 về việc ban hành Quy định về đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến của Trường Chính trị Châu Văn Đặng. Qua thực tế trong quá trình dạy – học trực tuyến nhận thấy một số thuận lợi và khó khăn như sau:
Về thuận lợi dạy – học trực tuyến
Thứ nhất, về phía giảng viên
Dạy - học trực tuyến có thể giúp giảng viên và học viên tương tác và khai thác thông tin ngày càng nhiều hơn, hiệu quả hơn với kho tài liệu số trên không gian mạng. Từ đó, có thể giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng trước yêu cầu mới của Trường.
Nội dung bài giảng, giáo án trình chiếu của giảng viên, tài liệu đa dạng, phong phú, hiệu quả, vẫn đảm bảo các yêu cầu chung về kiến thức, kỹ năng, thái độ của bài giảng khi giảng dạy trực tuyến. Việc tích hợp nội dung bài giảng trình chiếu lên cũng đơn giản, thuận lợi đó là chỉ tích giáo án trình chiếu (Powerpoint) từ laptop, máy tính, smartphone của giảng viên chứ không qua máy chiếu, tivi… Qua đó, đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực nghiên cứu, tập huấn và vận hành hệ thống giảng dạy trực tuyến của giảng viên và học viên khi thực hiện.
Quá trình giảng trực tuyến thì công tác điểm danh học viên, thảo luận, kiểm tra số lượng, đánh giá kết quả học viên trong lớp học trực tuyến cũng khá chặt chẽ, khách quan, dễ dàng, thuận lợi trên phầm mềm quản lý. Tạo điều kiện và cơ hội giao lưu, tương tác giữa học viên với giảng viên.
Các trang thiết bị, cơ sở vật chất của Trường để phục vụ cho hoạt động dạy – học trực tuyến luôn được đảm bảo tốt, thuận tiện cho giảng viên tham gia giảng như là: hội trường, phòng học, máy chiếu, computer, laptop, smartphone, tốc độ đường truyền internet, phần mềm dạy – học trực tuyến, cán bộ phụ trách kỹ thuật, tin học,… đây là một trong các yếu tố quyết định thành công của việc tổ chức dạy – học trực tuyến.
Thứ hai, về phía học viên
Dạy - học trực tuyến tạo nên môi trường học tập mới cho học viên, không phụ thuộc vào không gian và thời gian (có thể học tập mọi lúc, mọi nơi nếu cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin cho phép), giúp học viên tiết kiệm được chi phí đi lại, sắp xếp thời gian học tập hợp lý cho mình.
Học trực tuyến học viên cũng khắc phục những khó khăn khi đang sống và làm việc ở xa Trường. Nhờ đó tạo ra những cơ hội học tập mới cho học viên tiếp cận, cũng như đáp ứng yêu cầu, kế hoạch trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Trường và lớp học.
Trong quá trình học trực tuyến, học viên có thể phát biểu thảo luận với giảng viên và hợp tác với bạn học trong lớp học trực tuyến để thảo luận khi giảng viên giao làm việc trên lớp học.
Về khó khăn việc dạy – học trực tuyến
Bên cạnh những thuận lợi của dạy – học trực tuyến trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, những khó khăn, thách thức khi triển khai, áp dụng thực tế của Trường như sau:
Thứ nhất, về phía giảng viên
Phương pháp dạy – học trực tuyến là một phương pháp tương đối mới và chưa được phổ biến, do đó, không thể tránh khỏi sự lúng túng, bất cập, khó khăn trong việc thực hiện. Một số giảng viên, nhất là giảng viên có tuổi cao chưa kịp thích ứng, tiếp cận, sử dụng các thao tác với công nghệ dạy – học trực tuyến, đòi hỏi giảng viên phải đầu tư nhiều thời gian tập huấn, công sức và không phải giảng viên nào cũng có máy tính.
Hoạt động giảng dạy trực tuyến của giảng viên trở nên đơn điệu phụ thuộc vào một bảng trình chiếu. Trong quá trình giảng dạy theo phương pháp truyền thống, giảng viên luôn tương tác với học viên học trực tiếp trên lớp, sử dụng nhiều hoạt động linh hoạt. Tuy nhiên, với phương pháp trực tuyến, giảng viên không thể quan sát, nắm bắt tâm lý học viên, điều đó dẫn đến sự lo lắng khả năng tiếp thu của học viên.
Trong quá trình dạy – học trực tuyến giảng viên hạn chế trong việc áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực vào lớp học như lớp học dạy truyền thống.
Để dạy – học trực tuyến được hiệu quả thì công nghệ, kỹ thuật các thiết bị ở Trường cần phải đảm bảo, nếu đường truyền internet chậm chờn, rớt mạng hoặc máy tính của giảng viên bị sự cố sẽ làm cho buổi học bị gián đoạn, thậm chí là phải nghỉ học điều này đã ảnh hưởng không nhỏ về tâm lý giảng bài của giảng viên.
Thứ hai, về phía học viên
Đa số học viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng của Trường vốn đã quen với cách học truyền thống. Do đó, khi chuyển sang học trực tuyến học viên có tâm lý ỷ lại, thụ động khi tham gia học. Học viên không có nhiều cơ hội học hỏi trao đổi, thảo luận nội dung bài giảng với bạn bè và giảng viên khi chuyển qua học trực tuyến.
Một số học viên khi tham gia học trực tuyến hạn chế về trình độ tin học, khó khăn về các thao tác trên mạng và phần mềm. Có nơi học viên học, tốc độ đường truyền internet còn chậm, chập chờn, chất lượng âm thanh không rõ, hình ảnh không thấy. Do đó, ảnh hưởng rất lớn đến việc tham gia học của mỗi cá nhân học viên.
Mỗi học viên khi học trực tuyến đều được cấp một tài khoản đăng nhập của phần mềm học trực tuyến. Tuy nhiên, một số học viên chỉ mở tài khoản tham gia lớp học chứ không tham gia ngồi nghe giảng viên giảng mà làm những công việc khác (hình thức điểm danh). Chính vì vậy, đã ảnh hưởng phần nào về chất lượng tiếp thu kiến thức của học viên./.