Chi bộ Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu Trường Chính trị Châu Văn Đặng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nâng cao nhận thức về vai trò của đại đoàn kết toàn dân tộc
Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị, thời gian qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từng bước đưa việc học tập và làm theo Bác thành công việc thường xuyên, thành ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên và nhiều tầng lớp nhân dân, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng địa phương, đơn vị, góp phần tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đấu tranh đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hệ thống tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có rất nhiều nội dung cần học tập và thực hiện đối với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, đòi hỏi cả một quá trình tu dưỡng và rèn luyện thời gian lâu dài đến suốt đời đối với mỗi người chúng ta.
Nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực, tính lâu dài, thường xuyên của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Chi bộ Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu đã không ngừng học tập và làm theo Bác. Trong tháng 9/2021 chi bộ đã chọn chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nâng cao nhận thức về vai trò của đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đại đoàn kết và đại đoàn kết dân tộc
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói nhiều về đoàn kết, đại đoàn kết, theo Người: “Đại đoàn kết tức là trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân là công nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác. Đó là nền gốc của đại đoàn kết. Nó cũng như cái nền của nhà, cái gốc của cây. Nhưng đã có nền vững, gốc tốt, còn phải đoàn kết các tầng lớp nhân dân khác”.(1)
Điều này có nghĩa là, đại đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết tất cả các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng miền của đất nước, đoàn kết mọi thành viên trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam dù sống ở trong nước hay định cư ở nước ngoài tạo thành một khối vững chắc tạo nên sức mạnh vô địch thực hiện thắng lợi mọi mục tiêu của cách mạng. Quan niệm của Bác được thể hiện cụ thể:
Thứ nhất, đại đoàn kết toàn dân tộc là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, đại đoàn kết toàn dân tộc là một chiến lược cơ bản, nhất quán, lâu dài, là vấn đề mang tính sống còn, quyết định sự thành công của cách mạng. Đoàn kết dân tộc làm nên sức mạnh nội sinh và là cội nguồn của mọi thành công của dân tộc Việt Nam.
Theo Người, để đánh thắng các thế lực xâm lược hùng mạnh nhất nhằm giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, nếu dân tộc chỉ có tinh thần yêu nước thôi thì chưa đủ, mà phải tập hợp được một lực lượng cách mạng, tạo thành một khối vững chắc đó là đại đoàn kết toàn dân tộc.
Qua nghiên cứu thực tiễn Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định, trong cuộc đấu tranh cứu nước giải phóng dân tộc của nhân dân ta cuối thế kỷ 19 bị thất bại là do dân tộc ta chưa đoàn kết được thành một khối thống nhất. Do đó, muốn cách mạng thành công thì phải tập hợp được một lực lượng cách mạng, muốn tập hợp được một lực lượng cách mạng thì phải thực hiện đoàn kết toàn dân tộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định nhiệm vụ của toàn Đảng là giữ gìn sự đoàn kết. Trong Di chúc, Bác căn dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.(2)
Thứ hai, đại đoàn kết toàn dân tộc là sức mạnh của cách mạng Việt Nam
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc tập hợp, giác ngộ nhân dân vào hàng ngũ cách mạng, bổ sung và phát huy vai trò của họ, làm cho họ trở thành một lực lượng cách mạng quan trọng của Đảng; đồng thời khẳng định khối liên minh công – nông – trí thức là nền tảng của khối đại đoàn kết toàn dân.
Bác viết: “Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết chặt chẽ, thì chúng ta nhất định có thể khắc phục mọi khó khăn, phát triển mọi thuận lợi và làm trọn nhiệm vụ nhân dân giao phó cho chúng ta”.(3)
Thứ ba, đại đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết toàn dân
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, khái niệm “dân” và “nhân dân”, có nội hàm rất rộng, vừa được hiểu là một tập hợp đông đảo quần chúng, vừa được hiểu là mỗi con người Việt Nam cụ thể và dùng để chỉ “mọi con dân nước Việt”, mỗi một người “con Rồng cháu Tiên”, không phân biệt dân tộc thiểu số với dân tộc đa số, người tín ngưỡng với người không tín ngưỡng, không phân biệt “già, trẻ; gái, trai; giàu, nghèo; quý, tiện”. Cho nên, khái niệm “dân” và “nhân dân” được hiểu là chủ thể của đại đoàn kết dân tộc.
Đại đoàn kết là cơ sở để thực hiện khối đoàn kết toàn dân, với ý nghĩa là thực hiện đoàn kết tất cả những người Việt Nam đang sống ở trong nước và đang định cư ở nước ngoài thì người Việt Nam cũng không bỏ được cái gốc dân tộc. Cần phải huy động và tập hợp được mọi người dân Việt Nam vào khối đại đoàn kết nhằm thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc.
Thứ tư, đại đoàn kết dân tộc phải biến thành sức mạnh vật chất có tổ chức là Mặt trận dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc không chỉ dừng lại ở quan niệm, ở tư tưởng, ở những lời kêu gọi, mà phải trở thành một chiến lược cách mạng, trở thành khẩu hiệu hành động của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Tư tưởng đó phải trở thành sức mạnh vật chất, thành lực lượng vật chất có tổ chức. Tổ chức thể hiện khối đại đoàn kết dân tộc chính là Mặt trận dân tộc thống nhất. Mặt trận dân tộc thống nhất phải được xây dựng theo những nguyên tắc: trên nền tảng liên minh công - nông - trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trong quá trình cách mạng của dân tộc, nội dung và hình thức tổ chức của Mặt trận thống nhất có thể có những tên gọi khác nhau – Hội phản đế đồng minh (1930), Mặt trận dân chủ (1936), Mặt trận nhân dân phản đế (1939), Mặt trận Việt Minh (1941), Mặt trận Liên Việt (1946), Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (1960), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1955), (1977), nhưng thực chất chỉ là một – đó là tổ chức chính trị rộng rãi, tập hợp các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, đảng phái, các tổ chức và cá nhân yêu nước ở trong nước và ngoài nước, phấn đấu vì mục tiêu chung là độc lập dân tộc, thống nhất của Tổ quốc và tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Đại đoàn kết dân tộc trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhân dân ta đã làm tròn sứ mệnh lịch sử vẻ vang là giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; đưa đất nước ta đi lên chủ nghĩa hội, bước vào thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Chi bộ Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nâng cao nhận thức về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Chi bộ Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu là một bộ phận của Đảng bộ Trường Chính trị Châu Văn Đặng, sự đoàn kết thống nhất của Chi bộ Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu sẽ làm tăng thêm sức mạnh cho Đảng bộ Trường. Bởi vì, Chi bộ Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu có mạnh thì Đảng bộ Trường mới vững mạnh hoàn toàn. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức về xây dựng khối đại đoàn thống nhất là nhiệm vụ hết sức quan trọng của Chi bộ Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu hiện nay. Do đó, Chi bộ Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu luôn nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức về xây dựng khối đại đoàn kết thống nhất trong chi bộ nên đã quán triệt đến từng cán bộ đảng viên duy trì, giữ gìn và phát huy việc xây dựng khối đại đoàn kết thống nhất của chi bộ trong thời gian qua và trong thời gian tới cụ thể như:
Chi bộ luôn làm tốt công tác quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của cơ quan đơn vị, của tổ chức cho đảng viên của chi bộ nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động từ đó tạo ra sức mạnh chung cho chi bộ.
Quan tâm nâng cao ý thức, trách nhiệm về xây dựng khối đại đoàn kết trong chi bộ cho từng đảng viên để đảng viên nhận thức được xây dựng đoàn kết trong chi bộ không chỉ là trách nhiệm của chi bộ mà còn là trách nhiệm của mỗi đảng viên. Mỗi đảng viên cần phải cố gắng phấn đấu, hoàn thiện mình từng ngày để góp phần xây dựng khối đại đoàn kết trong chi bộ ngày càng vững mạnh. Do vậy, mỗi đảng viên trong chi bộ cần phải: tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng, gương mẫu, thực hiện tốt lối sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, hòa nhã, thân ái, “mình vì mọi người”. Tích cực tham gia các hoạt động của nhà Trường cũng như của Phòng Tổ chức, hành chính, thông tin, tư liệu, làm tròn nhiệm vụ được chi bộ giao phó.
Để tạo nên sức mạnh tổng hợp của chi bộ, các đồng chí cấp ủy luôn tin tưởng đội ngũ đảng viên của chi bộ, tạo mọi điều kiện để mỗi đảng viên của chi bộ thực hiện quyền và trách nhiệm của người đảng viên đối với công việc, đối với tập thể, đối với nhân dân. Từ đó đã không ngừng làm cho chi bộ vững mạnh nhiều năm liền; chi bộ được Đảng ủy Trường công nhận là chi bộ trong sạch vững mạnh./.
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, Nhà xuất bản Chính trị quốc qia – Sự Thật, Hà Nội, 2011 tr. 244
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nhà xuất bản Chính trị quốc qia – Sự Thật, Hà Nội, 2011 tr. 622
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9, Nhà xuất bản Chính trị quốc qia – Sự Thật, Hà Nội, 2011 tr. 145