Công khai hoạt động của cơ quan, đơn vị - Giải pháp thực hiện dân chủ trong hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập
Dân chủ xã hội chủ nghĩa là một hình thức chính trị - nhà nước của xã hội. Trong đó, con người là thành viên trong xã hội có đầy đủ tư cách công dân; tư cách công dân là quyền làm chủ của nhân dân. Cơ sở của quyền làm chủ của nhân dân là “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”, dân là gốc, dân là chủ, dân làm chủ.
Từ khi Đảng ta ra đời và lãnh đạo cách mạng Việt Nam cho đến nay, Đảng ta luôn tôn trọng quyền lực của nhân dân, không ngừng mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng, quản lý, bảo vệ và phát triển đất nước. Đảng ta xác định dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển của xã hội.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản nhằm hiện thực hóa việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Chẳng hạn, Chỉ thị 30- CT/TW Quy định về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Kết luận số 65-KL/TW ngày 4 tháng 2 năm 2010 về Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 30-CT/TW. Ngoài việc ban hành các văn bản trên để thực hiện dân chủ trong toàn dân, Đảng, Nhà nước cũng rất chú trọng việc thực hiện dân chủ trong các đơn vị hành chính sự nghiệp. Vì vậy trên cơ sở chỉ thị đã ban hành Chính phủ đã cụ thể hóa thành các nghị định, hướng dẫn như: Nghị định số 04/2015/NĐ-CP Về việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư 01/2016/TT-BNV ngày 13 tháng 01 năm 2016 Hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 04/2015/NĐ-CP về việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;…. Thực hiện dân chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập là sự cụ thể hóa các quy định chung về thực hiện dân chủ cơ sở. “Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước”(1).
Đơn vị sự nghiệp công lập gồm: Đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ) và đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ).
Thực hiện dân chủ trong đơn vị sự nghiệp công lập thực chất là sự cụ thể hóa khía cạnh “nhân dân làm chủ” theo phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Nghị định số 04/2015/NĐ – CP của Chính phủ đã quy định cụ thể việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập bao gồm dân chủ trong nội bộ cơ quan, đơn vị; dân chủ trong quan hệ và giải quyết công việc với công dân, cơ quan, tổ chức có liên quan. Trong đó, dân chủ trong nội bộ của cơ quan đơn vị bao gồm quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, của cán bộ, công chức, viên chức; những việc phải công khai để cán bộ, công chức, viên chức biết; những việc cán bộ, công chức, viên chức tham gia ý kiến, người đứng đầu cơ quan, đơn vị quyết định. Như vậy, công khai là một trong những phương thức thực hiện dân chủ trong hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
Công khai là yêu cầu quan trọng và là giải pháp hữu hiệu để bảo đảm sự trong sạch, bền vững của nhà nước. Công khai phải được thể hiện và thực hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội trên cơ sở quy định của pháp luật. Có thể hiểu, công khai là phải rõ ràng, là làm cho mọi người biết, mọi người hiểu thông qua việc công bố, cung cấp thông tin chính thức về văn bản, hoạt động hoặc về nội dung nhất định.
Công khai hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập được quy định tại Điều 7 của Nghị định 04/2015/NĐ-CP như: các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt hoạt động của đơn vị; kinh phí hoạt động của đơn vị; công tác cán bộ; nội quy, quy chế; văn bản chỉ đạo của cơ quan cấp trên…
Hoạt động công khai của đơn vị sự nghiệp công lập được cụ thể hóa dưới nhiều hình thức đa dạng như: Niêm yết tại cơ quan, đơn vị; Thông báo tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị; Thông báo bằng văn bản gửi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức; Thông báo cho người phụ trách các bộ phận của cơ quan, đơn vị và yêu cầu họ thông báo đến cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các bộ phận đó; Thông báo bằng văn bản đến cấp ủy trực tiếp, Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị; Đăng trên trang thông tin nội bộ của cơ quan, đơn vị.
Việc công khai có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Trước hết, công khai hoạt động nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về “quyền tiếp cận thông tin” của công dân được quy định tại Điều 25 của Hiến pháp 2013. Đồng thời, đó cũng là sự thể chế hóa phương châm “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, với tư cách là người làm chủ thì nhân dân có quyền biết, nắm bắt thông tin. Đặt trong bối cảnh tại một đơn vị sự nghiệp công lập thì viên chức trong đơn vị đó là người nắm bắt thông tin thông qua hoạt động công khai của đơn vị.
Thứ hai, trên cơ sở nắm được các thông tin đã được công khai, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập sẽ thuận lợi trong thực hiện quyền giám sát, kiểm tra hoạt động của đơn vị mình. Giám sát là quyền quan trọng đã được Hiến pháp quy định cho công dân - với tư cách là người chủ thật sự của quyền lực nhà nước. Giám sát cũng là một trong những phương thức thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp của nhân dân.
Thứ ba, công khai hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập cũng góp phần phòng ngừa tham nhũng, tạo dựng niềm tin của viên chức, đặc biệt là đối với người đứng đầu. Tham nhũng là một vấn nạn nguy hiểm mà hiện nay mọi quốc gia đang ra sức phòng, chống. Trên cơ sở các thông tin đã được công khai, đặc biệt là các vấn đề nhạy cảm liên quan đến kinh phí, tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ phải kê khai theo quy định của pháp luật. Qua đó, kinh phí hoạt động, tài sản của đơn vị được kiểm soát sẽ góp phần phòng ngừa tham nhũng tại đơn vị.
Thứ tư, công khai hoạt động của đơn vị còn tạo ra không khí làm việc dân chủ, đoàn kết trong đội ngũ công chức, viên chức.
Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đây là sự khẳng định nhất quán quan điểm của Đảng và nhà nước ta về việc đề cao chủ quyền nhân dân. Thực hành và phát huy dân chủ là một trong những phương hướng quan trọng góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cho nên, các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức và toàn thể nhân dân cần phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và Nhà nước về thực hiện dân chủ. Tại đơn vị sự nghiệp công lập cần thực hiện đúng các quy định của Nghị định số: 04/2015/NĐ-CP, đặc biệt là thực hiện chế độ công khai hoạt động của đơn vị sẽ góp phần phát huy quyền làm chủ của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị./.
(1)Khoản 1 Điều 9 Luật Viên chức 2010