Bản yêu sách tám điểm gửi Hội nghị Quốc tế hòa bình Versailes. Bút hiệu Nguyễn Ái Quốc ra đời.
Từ trước đến nay có rất nhiều tác giả nghiên cứu về Nguyễn Ái Quốc nhưng bút hiệu này xuất hiện khi nào thì có rất nhiều câu trả lời chưa thống nhất với nhau. Theo nghiên cứu của tiến sĩ sử học Thu Trang, một Việt kiều ở Pháp đã dành một khoảng thời gian khá dài để tìm hiểu bút hiệu Nguyễn Ái Quốc xuất hiện vào thời gian nào, ở đâu? Qua nghiên cứu cho thấy bài đầu tiên ký tên Nguyễn Ái Quốc là bài đăng trên tờ báo L’Humanité, số ra ngày 18/6/1919 là Bản yêu sách tám điểm gửi Hội nghị quốc tế hoà bình Versailes. Sau khi Bản yêu sách này được công khai đăng trên báo Pháp và in thành nhiều truyền đơn để gửi cho khắp giới người Việt thì chính quyền Pháp bắt đầu chú ý đặc biệt đến giới công nhân và chiến binh người Đông Dương ở Pháp. Cũng từ đó Bộ Thuộc địa tăng cường mua chuộc những tay sai người Việt, cho trà trộn vào quần chúng để dò la theo dõi, tìm hiểu những hoạt động của Hội Người An Nam yêu nước. Mật báo ngày 30/01/1920 ghi: “Theo sự điều tra về những hành vi của nhiều người An Nam phản ứng của họ về Ban yêu sách tám điểm thì kết quả cho biết linh hồn của nhóm này chính là Nguyễn Ái Quốc. Ông tự nhận là Tổng thư ký của nhóm người An Nam yêu nước và đồng thời cũng là tổng thư ký của Nhóm những người cách mạng An Nam (Groupe des révolutionnaires Annamites). Nguyễn Ái Quốc đã viết các bản truyền đơn kể cả Ban yêu sách tám điểm trên. Tài liệu đã chuyển giao về văn phòng (tức Bộ Thuộc địa)”.
Bản yêu sách gửi cho Hội nghị hoà bình do Phan Văn Trường viết. Những điểm yêu sách đã được Phan Châu Trinh dịch sang chữ An Nam.
Trong cuốn sách Những mẫu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch cũng có ghi một đoạn như sau: “Cũng nên nhắc lại ý kiến của Bản yêu sách do ông Nguyễn đề ra, nhưng lại do luật sư Phan Văn Trường viết, vì lúc bấy giờ ông Nguyễn chưa viết được tiếng Pháp”. Nhưng dù sao thì dưới Bản yêu sách này đã ký tên là Nguyễn Ái Quốc. Tên tuổi người thanh niên “bí mật” đã ra mắt, làm cho bọn Tây thuộc địa bối rối và muốn tìm ra lai lịch, tung tích và hành động của “Nguyễn yêu nước”, xem người ấy thực sự là ai? Có rất nhiều tài liệu của bọn mật thám thời ấy đã ghi cách theo dõi, tìm hiểu về cá nhân Nguyễn Ái Quốc. Nhưng Bộ Thuộc địa có tin đặc biệt - có lẻ là từ Trung Quốc gửi sang - cho biết về hành tung của Nguyễn Ái Quốc qua một bài phỏng vấn đã đăng trên từ báo tên là Yi Khê Pao ở Thiên Tân. Tờ báo này đã cổ động cho phong trào đòi quyền tự quyết của Việt Nam, và trong số báo ra ngày 18 đến 20 tháng 9 năm 1919 đã đăng tải Bản yêu sách tám điểm cùng một bài phỏng vấn Người đại diện An Nam Nguyễn Ái Quốc. Đó là một nhà báo Mỹ đã được giới thiệu đến gặp Nguyễn Ái Quốc tại Paris và đã phỏng vấn. Có lẽ bài báo này đã đánh dấu một sự chú ý khác thường của Bộ Thuộc địa, tức là họ đánh giá tầm quan trọng của cá nhân Nguyễn Ái Quốc và những ảnh hưởng của ông đối với Việt kiều ở Paris.
Cũng trong mật báo này, Bộ Thuộc địa đã ra lệnh điều tra về Nguyễn và cho biết bên Đông Dương đã cho biết Nguyễn Ái Quốc tức Nguyễn Tất Thành, người đã có mặt trong vụ chống thuế ở miền Trung năm 1908; sau đó đã ở Anh trước khi đến Pháp. Cuối bản báo cáo có câu: “Nguyễn Tất Thành đã ở Đông Dương, coi như là một tên phiến loạn nguy hiểm”.
Việc làm cụ thể của Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc vào thời điểm trước năm 1920 đã đánh dấu việc mở rộng phong trào yêu nước của Việt kiều tại Pháp. Đồng thời Bản yêu sách tám điểm là sự kết hợp các đường lối chủ trương chính trị của Hội người An Nam yêu nước thời này.
Bản yêu sách này có ảnh hưởng khá sâu sắc trong các giới ở Pháp. Do sự tháo vát của Việt kiều nên Bản yêu sách này cũng đã được chuyển về cho đồng bào trong nước.
Sau bao biến động, bao lần gây phong trào đấu tranh, hàng lọat người yêu nước bị thực dân đàn áp, tù đầy, bắt bớ, và lên đoạn đầu đài. Nhân dân ta vẫn không sờn lòng, vừa tin tưởng các tổ chức bí mật ở trong nước lúc bấy giờ đang gặp nhiều khó khăn, vừa trông chờ ra nước ngoài, trông vào các nhà nho yêu nước bôn ba hải ngoại như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh.v.v… Vào năm 1920, chính quyền thực dân đã có mật báo nói về họ như sau: “Những nhân vật có tiếng như Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường và Khánh Ký, theo người ta nói thì đã mất tín hiệu ở Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã đến đúng lúc để lãnh đạo phong trào”.
Có thể tên tuổi Nguyễn Ái Quốc được trong nước biết đến là vào dịp này. Mặc dù Bản yêu sách tám điểm chưa đòi hỏi gì hơn so với những điều mà Phan Châu Trinh đã đòi hỏi trước, nhưng việc đưa một Bản yêu sách như thế trước Hội nghị Quốc tế để đánh thức sự thờ ơ của dự luận đối với vấn đề Việt Nam là một việc làm hết sức khôn khéo. Nhân dân trong nước đánh giá cao hình thức đấu tranh mới mẻ này. Tên gọi Nguyễn Ái Quốc như là một niềm hy vọng đã lóe sáng trong bầu trời đen thẳm.
Tại Pháp, Bản yêu sách này cũng được phân phát ra như một truyền đơn đã gây được ảnh hưởng đối với kiều bào. Từ đây, tên gọi Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một niềm tin, một khẩu hiệu đấu tranh. Còn đối với nhân dân Pháp, Bản yêu sách này cũng làm cho số đông nhân dân Pháp bắt đầu chú ý đến vấn đề thuộc địa, muốn biết những tập đoàn thực dân đã đè nén người dân thuộc địa đến mức độ nào.
Chúng tôi xin lược dịch tám điểm chính, trọng tâm của sự đòi hỏi, mà với nhận định hiện nay thì chẳng có gì quá đáng. Thực chất vẫn là chỉ đòi hỏi thực dân “nới tay” cai trị một cách rộng rãi mà thôi. Chắc hẳn khi thảo luận để viết Bản yêu sách, Phan Châu Trinh vẫn còn giữ những quan niệm chính trị “Duy Tân” của mấy năm về trước. Quyền tự quyết của dân tộc chưa nói đến, cũng như không có ý gì cho phép người ta nghĩ là nếu Pháp từ chối những điểm này thì nhân dân Việt Nam sẽ đứng lên dùng làm cách mạng vũ trang đòi cho bằng được. Vì vậy, những năm về sau, tìm hiểu về đường lối hoạt động của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta thấy khác hẳn.
Tám điểm thứ tự như sau:
1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;
2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được hưởng những bảo đảm về mặt pháp luật như người Âu châu; xoá bỏ hoàn toàn các toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;
3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;
4. Tự do lập hội và hội họp;
5. Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;
6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;
7. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;
8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ do người bản xứ bầu ra tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ(1).
Bản yêu sách trên đây viết bằng tiếng Pháp. Những bản gửi về cho đồng bào trong nước đã được dịch ra bằng tiếng Việt văn vần như sau:
VIỆT NAM YÊU CẦU CA
“Rằng nay gặp hội Giao hoà,
Muôn dân hèn yếu gần xa vui tình.
Cậy rằng các nước Đồng minh,
Đem gương công lý giết hình dã man.
Mấy phen công bố rõ ràng,
Dân nào rồi cũng được trang bình quyền.
Việt Nam xưa cũng oai thiêng,
Mà nay đứng dưới thuộc quyền Lang Sa.
Lòng thành tỏ nỗi sút sa,
Giám xin đại quốc soi qua chút nào.
Một xin tha kẻ đồng bào,
Vì chưng chính trị mắc vào tù giam.
Hai xin phép luật sửa sang,
Người Tây người Việt hai phương cùng đồng.
Những toà đặc biệt bất công,
Giám xin bỏ dứt rộng dung dân lành.
Ba xin rộng phép học hành,
Mở mang kỹ nghệ, lập thành công thương.
Bốn xin được phép hội hàng,
Năm xin nghĩ ngợi nói bàn tự do.
Sáu xin được phép lịch du,
Bốn phương mặc sức, năm châu mặc tình
Bảy xin hiến pháp ban hành,
Trăm đều phải có thần linh pháp quyền
Tám xin được cử nghị viên,
Qua Tây thay mặt giữ quyền thổ dân.
Tám điều cạn tỏ xa gần,
Chứng nhờ vạn quốc công dân xét tình.
Riêng nhờ dân Pháp công bình,
Đem lòng đoái lại của mình trong tay.
Pháp dân nức tiếng xưa nay,
Đồng bào, bác ái sánh tầy không ai!
Nỡ nào ngảnh mặt ngơ tai,
Để cho mấy ức triệu người bơ vơ.
Dân Nam một dạ ước mơ,
Lâu nay từng núp bóng cờ tự do.
Rộng xin dân Pháp xét cho,
Trong phò tiếng nước, sau phò lẽ công.
Dịch mấy chữ quốc âm bày tỏ.
Để đồng bào lớn nhỏ được hay.
Hoà bình may gặp hội này,
Tôn sùng công lý, đoạ đày dã man.
Nay gặp hội khải hoàn hỉ hả,
Tiếng vui mừng khắp cả đồng – dân.
Tây vui chắc đã mười phần,
Lẽ nào Nam lại chịu thân tôi đòi.
Hẵng mở mắt mà soi cho rõ.
Nào Ai Lan, Ấn Độ, Cao Ly,
Xưa, hèn phải bước suy vi,
Nay, gần độc lập cũng vì dân khôn
Hai mươi triệu quốc hồn Nam Việt
Thế cuộc này phải biết mà lo.
Đồng bào, bình đẳng, tự do,
Xét mình rồi lại đem so mấy người.
Ngổn ngang lời vắn ý dài,
Anh em đã thấu lòng này cho chưa.
NGUYỄN ÁI QUỐC (2)./.
---------
(1)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2000, t.1, tr.435-436.
(2)Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2000, t.1, tr.430-439.