Bạc Liêu là tỉnh ven biển thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong vùng bán đảo Cà Mau, là cầu nối giữa các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh. Đây là những tỉnh có diện tích và sản lượng tôm đứng đầu so với các tỉnh trong cả nước. Với điều kiện khí hậu tự nhiên thuận lợi, cộng với đất đai bằng phẳng, bờ biển dài 56km, Bạc Liêu phù hợp với phát triển nông nghiệp, đặc biệt là con tôm. Tỉnh có diện tích nuôi tôm lên tới hơn 135.000ha (đứng thứ 2 cả nước).
Đối với Bạc Liêu, thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành Nông nghiệp cũng như nền kinh tế - xã hội của tỉnh. Với khát vọng “nâng tầm tôm Việt”, phấn đấu đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước, những năm qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh và tập trung ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nghề nuôi và đảm bảo môi trường sinh thái.
Thực hiện Quyết định số 694/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/5/2017 về thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu với quy mô 418,91 ha (tại xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) là điều kiện rất thuận lợi để đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu.
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm là mô hình sẽ kiểm soát được toàn bộ chu trình nuôi tôm thông qua công nghệ cho ăn tự động, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây để kiểm soát các chỉ tiêu môi trường nước, hệ thống công trình nuôi được sắp xếp, bố trí hợp lý, liên hoàn từ hệ thống ao nuôi, ao lắng, ao trữ nước, ao chứa chất thải và hệ thống xử lý chất thải (biogas). Với quy trình như vậy sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh, tôm nuôi lớn nhanh, ít dịch bệnh, tỷ lệ rủi ro thấp, cho năng suất cao, góp phần bảo vệ môi trường nuôi.
Tỉnh Bạc Liêu cũng phê duyệt thực hiện Đề án “Xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”. Mục tiêu của Đề án là phát triển Bạc Liêu trở thành đầu mối của ngành tôm, đi đầu trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó tập trung phát triển các lĩnh vực sản xuất giống, nuôi thương phẩm và chế biến; là đầu mối liên kết các tỉnh trong cụm sản xuất tôm của cả vùng.
Theo Đề án, diện tích nuôi tôm trên toàn tỉnh Bạc Liêu là hơn 136.000 ha, trong đó nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao hơn 2.200 ha. Theo Ban Quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm tỉnh Bạc Liêu, tính đến cuối năm 2020, đã có trên 30 doanh nghiệp đăng ký đầu tư và nhiều viện, trường đăng ký liên kết chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, diện tích nuôi tôm là 147.900ha, với nhiều mô hình như: ứng dụng công nghệ cao, thâm canh, bán thâm canh; tôm - lúa; nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp… với sản lượng 249.000 tấn.
Sau khi được Chính phủ cho phép thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm và tiến tới xây dựng thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước. Đến nay toàn tỉnh đã có 10 đơn vị, doanh nghiệp sản xuất theo mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, hơn 280 hộ dân áp dụng các mô hình này; có 18 công ty, đơn vị, với diện tích hơn 1.500 ha đầu tư nuôi tôm siêu thâm canh với nhiều công nghệ tiên tiến khác nhau bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Bạc Liêu là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước trong sản xuất tôm giống chất lượng cao, với sản lượng 25 tỷ con giống/năm, chiếm hơn 50% của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khoảng 20% cả nước; phấn đấu từ năm 2020 có vùng sản xuất giống thủy sản ứng dụng công nghệ cao từ 32 - 35 tỷ con giống và đến năm 2025 là từ 40 - 45 tỉ con giống, đảm bảo chất lượng đạt 90%, đáp ứng nhu cầu giống tôm nuôi của tỉnh và xuất sang các tỉnh lân cận.
Toàn tỉnh có 188 cơ sở sản xuất tôm giống. Trên địa bàn tỉnh hiện có 33 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, tổng công suất khoảng 125.000 tấn thành phẩm/năm. Năm 2018 giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước 606 triệu USD, tăng 14% so với năm 2017. Sản lượng tôm chế biến năm 2020 đạt hơn 98.000 tấn (tỉ trọng sản phẩm tôm ứng dụng công nghệ cao đạt 20%), phấn đấu đến năm 2025 là 120.000 tấn (tỉ trọng đạt trên 30%). Tổng sản lượng tôm xuất khẩu đạt 73.000 tấn năm 2020 và phấn đấu năm 2025 đạt 90.000 tấn, chiếm trên 90% tổng sản lượng thủy sản chế biến của tỉnh. Thị trường tiêu thụ là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, EU, Argentina, Nga, New zealand, Indonesia, Chile... Bạc Liêu phấn đấu trong giai đoạn 2021 – 2025, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu tôm hàng năm 5,28% và đạt 970 triệu USD vào năm 2025.
Với diện tích nuôi tôm hơn 135.000ha và hiện có 23 nhà máy chế biến thủy sản, tổng công suất thiết kế gần 135.000 tấn/năm, đứng thứ 3 cả nước, có 4 doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và có 7 đơn vị được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi trồng thủy sản; gần 90% hạ tầng kỹ thuật Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu đầu tư hoàn thành, Bạc Liêu đang dần hiện thực hóa chủ trương trở thành thủ phủ ngành tôm của cả nước.
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tỉnh Bạc Liêu đang tập trung xây dựng và phát triển các vùng nuôi tôm chuyên canh quy mô lớn theo hình thức tập trung, quy mô trang trại, truy xuất được nguồn gốc, bảo đảm các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, mô hình nuôi tôm công nghệ cao theo hướng tuần hoàn, khép kín từ khâu lọc nước, sản xuất giống đến khâu nuôi tôm thương phẩm đều ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất đang trở thành hình mẫu cho xu hướng phát triển ngành tôm cũng như là cơ sở cho việc xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn trong tương lai./.