Giáo dục - đào tạo là lĩnh vực có vai trò quan trọng đối với mọi quốc gia ở mọi thời đại. Trong xu thế phát triển tri thức ngày nay, giáo dục - đào tạo được xem là chính sách, là biện pháp quan trọng hàng đầu để phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đã chứng minh trí tuệ là yếu tố hàng đầu thể hiện quyền lực và sức mạnh của một quốc gia, trí tuệ là chìa khóa của mọi sự thành công và phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đã đem đến những thay đổi sâu sắc và nhanh chóng đối với cả nhân loại, nó tác động trực tiếp đến quan niệm, lối sống và tư duy của con người, đồng thời chi phối các quan hệ kinh tế, chính trị - xã hội của một quốc gia và cuộc cách mạng công nghiệp này tác động đến nhiều lĩnh vực, nhiều khía cạnh trong đồi sống xã hội.
Một trong những yêu cầu quan trọng để chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) là cải thiện nguồn vốn con người để có thể đáp ứng được yêu cầu về kiến thức và kỹ năng liên tục thay đổi theo hướng nâng cao trong môi trường lao động mới. Điều này đặt ra cho giáo dục và đào tạo sứ mệnh to lớn là chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Đảng và Nhà nước ta luôn luôn xác định: Giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu trong đường lối và chiến lược xây dựng, phát triển đất nước. Quan điểm này của Đảng được thể hiện xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo. Đặc biệt, từ nhiệm kỳ Đại hội XI đến nay Đảng ta càng nhấn mạnh vấn đề này, cụ thể Nghị quyết Hội nghị Trung ương VIII khóa XI Đảng đã đề ra định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo cho đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục – đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học, đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học”.(1)
Trong nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm (2016 – 2020), Đảng ta nhấn mạnh: "Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ; phát huy vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước"(2).
Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã khẳng định: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Đổi mới chương trình, nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề. Đa dạng hoá nội dung, tài liệu học tập, đáp ứng yêu cầu của các bậc học, các chương trình giáo dục, đào tạo và nhu cầu học tập suốt đời của mọi người. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học, hình thức và phương pháp thi, kểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo bảo đảm trung thực, khách quan”.(3)
Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn (2021 – 2030) Đảng ta nhấn mạnh: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”.(4)
5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, giáo dục và đào tạo nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Chất lượng từng bước được nâng lên, hệ thống giáo dục quốc dân tiếp tục được hoàn thiện, mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo tiếp tục được mở rộng ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành học. Vai trò, vị trí các cơ sở giáo dục, nhất là giáo dục đại học trong hệ thống dần được khẳng định, tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm được đề cao; chất lượng đào tạo từng bước được cải thiện, hệ thống chương trình đã được đổi mới, chú trọng phát triển các phẩm chất, năng lực cho học sinh; phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực cũng được chú trọng.
Bên cạnh những thành tựu, giáo dục và đào tạo vẫn còn không ít những hạn chế, việc đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng các phương tiện, công cụ hiện đại, đặc biệt là công nghệ thông tin chưa thực sự hiệu quả; vấn đề rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng học tập, kỹ năng giải quyết vấn đề ở một số nhà trường vẫn chưa thật sự được chú trọng. Nội dung chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy ở nhiều cơ sở giáo dục - đặc biệt là ở giáo dục đại học chưa được hiện đại hóa tương xứng, còn nặng về lý thuyết, nhẹ về thực hành, chưa thực sự chú ý kỹ năng mềm cho người học. Đầu tư cho giáo dục chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Công tác quản lý cơ sở giáo dục nước ngoài, cơ sở liên kết giáo dục còn gặp nhiều khó khăn. Chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước...
Trước thực trạng trên, Đại hội XIII của Đảng xác định: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người”.(5) Những chủ trương trên, được Đảng ta cụ thể hóa ở những nhiệm vụ cụ thể sau:(6)
Thứ nhất, xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước.
Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện đáp ứng những yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc,… gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân, đặc biệt chú trọng giáo dục mầm non, tiểu học tạo tiền đề và bảo đảm điều kiện thuận lợi để mỗi người dân có cơ hội được thụ hưởng công bằng thành quả của nền giáo dục.
Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời. Đẩy mạnh tự chủ đại học. Có chính sách đột phá phát triển nâng cao chất lượng giáo dục đại học.
Xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp để đào tạo lại lực lượng lao động phải chuyển đổi ngành nghề do quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ và tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, lấy chất lượng và hiệu quả đầu ra làm thước đo. Xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình tiến tới miễn học phí đối với học sinh phổ thông, trước hết là đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Quan tâm thích đáng đến phát triển giáo dục ở miền núi, vùng cao, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ tư, hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của các cơ sở giáo dục và đào tạo. Gắn kết chặt chẽ giáo dục và đào tạo với nghiên cứu, triển khai, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới. Đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ chăm lo cho đội ngủ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Thứ năm, Nhà nước tiếp tục tăng cường đầu tư cho giáo dục và đào tạo gắn với đổi mới cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả đầu tư. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo đúng hướng, hiệu quả.
Đẩy mạnh đổi mới đồng bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý và quản trị nghiệp vụ, chuyên môn trong giáo dục và đào tạo. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các tiêu cực trong giáo dục và đào tạo.
Hoàn thiện và thực hiện ổn định các phương thức đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo… xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược hợp tác và hội nhập quốc tế về giáo dục và đào tạo.
Ngày nay, khi mà trí tuệ đã trở thành yếu tố hàng đầu thể hiện quyền lực và sức mạnh của một quốc gia, thì các nước trên thế giới đều ý thức được rằng giáo dục không chỉ là phúc lợi xã hội, mà thực sự là đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế, phát triển xã hội. Các nước chậm tiến muốn phát triển nhanh phải có một chiến lược phát triển con người đúng đắn, phải hết sức quan tâm đến giáo dục và đầu tư cho giáo dục chính là đầu tư cho phát triển./. ---------
(1) Văn kiện Hội nghị Trung ương 8 khóa XI
(2) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tr.77
(3) Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tr.115-116
(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, tr.115
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, tr.136
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.1, tr.136-140