Liên kết web
Thăm dò
Thống kê truy cập

null Đấu tranh, phản bác, những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về vấn đề dân tộc ở nước ta hiện nay

Tin tức|Tin tức sự kiện|Tin tổng hợp
Thứ sáu, 07/01/2022, 15:48
Màu chữ Cỡ chữ
Đấu tranh, phản bác, những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về vấn đề dân tộc ở nước ta hiện nay

Trong thời đại ngày nay, giải quyết mối quan hệ giữa quyền dân tộc tự quyết với quyền con người ở mỗi quốc gia trở thành một vấn đề cơ bản trong quan hệ đối nội và đối ngoại. Trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Mác về mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc với vấn đề giai cấp V.I.Lênin khẳng định: Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng; các dân tộc được quyền tự quyết, liên hiệp tất cả các dân tộc lại; đó là Cương lĩnh dân tộc mà chủ nghĩa Mác và kinh nghiệm nước Nga đã dạy cho công nhân. Cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Mác – Lênin vẫn có giá trị và ý nghĩa to lớn trong điều kiện hiện nay.

          V.I.Lênin đã nêu rõ về quyền tự quyết dân tộc, mỗi dân tộc đều có quyền tự quyết, đó là quyền tự chủ đối với vận mệnh của dân tộc mình, quyền tự quyết định về thể chế chính trị và con đường phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Quyền tự quyết dân tộc là quyền của một dân tộc có thể tách ra trở thành một quốc gia độc lập với việc tự quyết định thể chế chính trị của mình khỏi một dân tộc khác đang áp bức họ. Quyền tự quyết còn thể hiện quyền tự nguyện liên hiệp với dân tộc khác trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân các dân tộc vì mục tiêu phát triển, hòa bình, phồn vinh, hữu nghị.     

       Cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Mác – Lênin vẫn có giá trị trường tồn và ý nghĩa to lớn trong điều kiện hiện nay. Hiện nay quan niệm của Thế giới về quyền tự quyết dân tộc có sự tương đồng và gần gũi về quyền tự quyết dân tộc mà V.I.Lênin đã nói đến. Đảng ta đã kế thừa và vận dụng tư tưởng của V.I.Lênin về quyền tự quyết dân tộc trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, giành lấy bình đẳng dân tộc, thực hiện quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam. 

Hiện nay, các thế lực thù địch vẫn đang lợi dụng bối cảnh mới của thế giới, đặc biệt là xu thế quốc tế hóa, toàn cầu hóa để xuyên tạc, chống phá Việt Nam. Trên mặt trận tư tưởng các thế lực thù đich, phản động xuyên tạc chủ nghĩa Mác- Lênin, lợi dụng các vấn đề nhạy cảm về lịch sử, dân tộc, tôn giáo, đất đai của một bộ phận người dân tộc thiểu số ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, chúng tìm cách kích động đồng bào dân tộc đòi “quyền tự quyết, tự quản”, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các thế lực thù địch đã đánh tráo khái niệm rằng, V.I.Lênin đã nói đến quyền tự quyết dân tộc, quyền tự do phân lập để thành lập nhà nước riêng, thông qua đó kích động một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số nước ta đòi thành lập nhà nước riêng như: “Nhà nước Tin lành Đề -ga” ở Tây Nguyên; “Vương quốc Khmer Krom” ở Tây Nam bộ… nhằm gây mất ổn định chính trị, gây chia rẽ khối đạo đoàn kết toàn dân tộc.

 Trên cơ sở nhận thức đúng tư tưởng của V.I.Lênin về quyền tự quyết dân tộc là một quốc gia dân tộc bị một quốc gia dân tộc khác áp bức trở thành thuộc địa được quyền tự do phân lập về mặt chính trị thành quốc gia độc lập. Quyền đó khác với việc các thế lực thù địch, phản động đánh tráo khái niệm cho rằng V.I.Lênin ủng hộ quyền tự quyết dân tộc có nghĩa là một dân tộc (tộc người) nào đó trong một quốc gia có thể tách ra trở thành quốc gia riêng, cần phải phân biệt rõ giữa quyền tự quyết dân tộc với quyền của người dân tộc thiểu số.

          Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, các dân tộc đoàn kết trong đấu tranh giải phóng dân tộc và trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay. Đảng ta đã vận dụng đúng đắn quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin và trên cơ sở đó đề ra những chủ trương, quan điểm để giải quyết vấn đề dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển. Huy động, phân bổ, sử dụng, quản lý có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số”(1). Chính sách dân tộc luôn được coi là chính sách quan trọng, các dân tộc đang phát huy truyền thống đoàn kết, cùng nhau xây dựng đất nước với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mỗi dân tộc trên đất nước Việt Nam đều phải có trách nhiệm củng cố, tăng cường khối đoàn kết dân tộc. Trong Hiến pháp 2013 quy định:Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc”.

          Đảng và nhà nước ta luôn nhất quán thực hiện chính sách bình đẳng dân tộc, các dân tộc bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Trong giai đoạn hiện nay, để đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, bịa đặt của các thế thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, xuyên tạc chủ nghĩa Mác- Lênin, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng về vấn đề dân tộc, cần thực hiện các giải pháp sau: 

Một là, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền những chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước, những thành tựu đã đạt được trong việc bảo vệ, phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc. Thực hiện tốt công tác vận động quần chúng trong việc bảo đảm thực hiện tốt chính sách dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia triển khai, thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc.

Hai là, đấu tranh phòng, chống những luận điệu xuyên tạc, kích động chống phá chế độ chính trị - xã hội, đồng thời xử lý nghiêm minh mọi hành vi xâm hại quyền lợi hợp pháp của dân tộc - quốc gia.

Ba là, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc; rà soát, điều chỉnh, bổ sung, kịp thời ban hành những chính sách mới, để đáp ứng yêu cầu phát triển các vùng đồng bào dân tộc. Huy động các nguồn lực cho đầu tư, phát triển vùng đồng bào dân tộc. Thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo bền vững, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của đồng bào vùng dân tộc. Giữ gìn và phát huy truyền thống khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bốn là, bảo vệ quyền con người, quyền công dân được quy định trong Hiến pháp. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Năm là, trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện các chính sách về dân tộc, phải thường xuyên đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện các chính sách về dân tộc, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp phù hợp, bảo đảm quyền bình đẳng giữa các dân tộc.

          Đảng và Nhà nước ta luôn thực hiện chính sách bình đẳng giữa các dân tộc, đại đoàn kết toàn dân tộc, các dân tộc cùng phát triển. Đấu tranh, phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên của toàn bộ hệ thống chính trị, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và của mọi công dân trong giai đoạn hiện nay./.

-------------

 (1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc Sự thật, H.2021, t.I, tr.170

Số lượt xem: 1428

ThS. Dương Văn Tân – Trưởng Khoa Nhà nước và pháp luật

Dịch vụ công Quốc gia Hệ thống văn bản của tỉnh CSDL hộ kinh doanh Thư điện tử công vụ Một cửa điện tử
© TRƯỜNG CHÍNH TRỊ CHÂU VĂN ĐẶNG TỈNH BẠC LIÊU
Địa chỉ: Số 7, Đường Nguyễn Tất Thành, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu
Điện thoại: 0781. 3823965 Fax: 0781. 3829654